Sau khi dùng vitamin D bổ sung liều cao trong suốt 9 tháng, ông David Mitchener, 89 tuổi, đã qua đời ở ngoại ô London, Anh.
Từ vụ việc này, cộng đồng y tế địa phương đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro khi sử dụng thực phẩm chức năng thông thường, vốn không được nêu rõ ràng trong các mẫu quảng cáo sản phẩm.
Trong báo cáo chính thức, nhân viên điều tra Jonathan Stevens cho biết "không có cảnh báo nào được kèm theo bên trong hoặc trên bao bì nhằm nêu chi tiết những rủi ro hoặc tác dụng phụ cụ thể của việc bổ sung vitamin D".
"Theo tôi, có nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra các ca tử vong trong tương lai, trừ phi có những hành động can thiệp", nhân viên này nhấn mạnh.
Ông Mitchener được cho là có lượng vitamin D cao nhất được ghi nhận trong cơ thể. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy mức vitamin D là 380, "mức tối đa có thể ghi được trong phòng thí nghiệm".
Theo Trường Y khoa Harvard, người lớn chỉ nên duy trì vitamin D ở mức 30 để "đảm bảo đủ". Trong khi đó, về liều lượng, 600 đơn vị quốc tế (IU) là lượng được khuyến nghị cho hầu hết người lớn. Dùng 60.000 IU trở lên mỗi ngày trong vài tháng có thể gây ra tình trạng quá liều.
Ông Mitchener lần đầu tiên đến bệnh viện với tình trạng tăng canxi huyết, hoặc lượng canxi trong cơ thể bị cao. Triệu chứng này thường xảy ra do hàm lượng vitamin D.
Lượng vitamin D dư thừa không phải là nguyên nhân gây tử vong duy nhất được liệt kê. Nhân viên điều tra cũng ghi nhận bệnh suy tim sung huyết, suy thận mãn tính, tăng canxi máu và bệnh tim thiếu máu cục bộ - khi máu không còn lưu thông hiệu quả đến cơ quan.
Tuy nhiên, do nồng độ vitamin D được tìm thấy cao, Stevens cảnh báo "việc bổ sung vitamin có thể tiềm ẩn những rủi ro và tác dụng phụ rất nghiêm trọng khi dùng quá mức", đồng thời nhấn mạnh các sản phẩm bổ sung hiện nay cũng thiếu cảnh báo và hướng dẫn thích hợp về liều lượng.
Hiện nay, mặc dù trên nhãn dán một số sản phẩm có ghi kèm thông tin liều lượng khuyến nghị hoặc cảnh báo không sử dụng quá liều nhưng hình thức bắt mắt, mùi vị giống kẹo dẻo vị trái cây vẫn khiến nhiều người tiêu thụ vượt mức. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm nếu sản phẩm rơi vào tay trẻ em.
Tại Hoa Kỳ, FDA đã gây áp lực lên ngành dược phẩm để thiết kế bao bì và mùi vị ít giống kẹo hơn đối với các chất bổ sung có rủi ro gây nguy hiểm cho sức khỏe, nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ quá nhiều.
TTO - 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ ngộ độc, suy thận cấp do uống vitamin D quá liều trong thời gian dài.