Theo tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, mô hình 5S bao gồm các nguyên tắc: Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2024.
Đầu tiên, mô hình này sẽ được thực hiện tại cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, sau đó nhân rộng ra toàn ngành giáo dục trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, mô hình 5S sẽ tăng cường hiệu suất, hiệu quả công việc, giảm lãng phí, đổi mới thủ tục hành chính; làm tăng sự hài lòng của giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh đối với ngành giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết mô hình 5S sẽ được thực hiện thường xuyên, trở thành thói quen hằng ngày của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành giáo dục thành phố.
Trong đó, lãnh đạo ở sở, hiệu trưởng các trường phải nêu cao tính gương mẫu trong thực hiện mô hình 5S.
Được biết, trong tháng 3-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hành mô hình 5S. Bên cạnh đó là các hoạt động tuyên truyền, phát động thực hành 5S, ký cam kết thực hiện, xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng việc thực hành mô hình 5S.
Tháng 4-2025, sở sẽ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mô hình 5S, đồng thời làm sơ kết, biểu dương khen thưởng một năm thực hiện mô hình này.
Mô hình 5S không chỉ là cải cách hành chính
"Hiện nay ngành giáo dục TP.HCM nói riêng và ngành giáo dục cả nước nói chung đang ở giai đoạn đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa (chương trình giáo dục phổ thông 2018) đang được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu ở các khối lớp thuộc ba bậc học tiểu học, THCS, THPT.
Vì vậy, mô hình 5S không chỉ là cải cách hành chính mà còn góp phần giúp cán bộ, giáo viên, người lao động đổi mới phương pháp làm việc, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp phối hợp với phụ huynh trong quá trình giáo dục học sinh…", một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thông tin.
Được biết, về công tác cải cách hành chính, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến; triển khai phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; 100% công chức, viên chức thực hiện việc sử dụng chữ ký số, chứng thực điện tử trong gửi nhận văn bản điện tử, giải quyết thủ tục...
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, có một khoảng lặng chắc chắn khiến nhiều người phải suy tư.