Đến ngày lễ, dường như cả thế giới hợp lực chúc mừng em, còn anh ngó lơ. Đi làm về, lướt qua những con phố tràn ngập hoa, nhưng anh coi đó là chuyện của thiên hạ và tỏ ra thờ ơ, dửng dưng như không có chuyện gì.
Em dỗi hờn, à không, đúng hơn là tủi thân. Bởi những ngày lễ, dịp kỷ niệm như 8-3, 20-10, thậm chí ngày lễ tình nhân 14-2, các đối tác, bạn bè, thậm chí "vệ tinh" xung quanh em sẽ gửi đến lời chúc tốt đẹp, gửi hoa quà tràn ngập. Nhưng món quà từ người xung quanh vẫn không đủ khỏa lấp sự tủi thân nhen nhóm trong em.
Ba năm yêu nhau, trừ ngày sinh nhật, còn lại các dịp lễ hay kỷ niệm dịp gì đó, em với anh thể nào cũng cãi nhau một trận tơi bời.
Lý do là anh chẳng có hoa, cũng chẳng có quà, thậm chí còn tiết kiệm cả lời chúc mừng đến người con gái anh thương.
Em nhớ có ngày lễ đôi ta cãi vã gay gắt, lần đó anh không còn xuống nước xin lỗi em như trước nữa, mà để cho tính nóng giận của em lên đến đỉnh điểm.
Anh khăng khăng với quan điểm của mình, rằng lễ lạt người ta chỉ theo phong trào, không thích cách tổ chức rầm rộ như thế.
Rằng anh không thích tặng quà dịp lễ. Khi yêu nhau, hạnh phúc đơn giản là đối xử với nhau thật tốt, tạo niềm vui lúc bên nhau, cùng nhau ăn món ăn ngon thì khi đó ngày thường cũng chẳng khác gì ngày lễ đâu.
Yêu nhau ba năm nhưng do công việc nên chúng ta chẳng có nhiều thời gian ở cạnh nhau như những cặp đôi khác. Vậy nên em lại nghĩ, dịp lễ là cơ hội để lời yêu biến thành hành động, tăng thêm gia vị cho tình yêu. Chẳng cần món quà to bự, chỉ cần một lời chúc giản đơn cũng bằng lòng, miễn sao đối phương nhớ đến và thật tâm muốn vun bồi cho tình yêu.
Vậy mà anh để em buồn lòng rồi tự nghi hoặc, đến hoa quà anh còn chẳng có, vậy thì trông chờ gì đến màn cầu hôn với một chiếc nhẫn cưới? Yêu nhau nhưng anh xem nhẹ ngày lễ, chẳng tỏ thành ý thì sau này kết hôn sẽ ra sao?
"Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?". Với em, điều đó là đúng, nhưng vẫn chưa đủ.
Là kiểu người độc lập tài chính, nên khi yêu em thích được chia sẻ với người mình yêu. Những lần gần nhau hò hẹn, em khéo léo lựa chọn "share" tài chính để anh không thấy nặng nề hay áp lực tiền bạc.
Em chẳng phải là cô gái "vật chất quyết định ý thức" hay thuộc tuýp những cô gái "đào mỏ" như người ta hay gọi.
Em yêu thương bản thân, vì thế có thể tự tặng cho mình bất kỳ món đồ nào mình ưa thích. Bạn bè, đối tác xung quanh cũng chẳng thiếu hoa, quà dành tặng em.
Nhưng anh biết không, là phụ nữ, em cũng háo hức đợi chờ món quà từ người thương em mỗi dịp lễ. Nhận món quà chứa đựng cả niềm thương nỗi nhớ, khi ấy người con gái anh yêu mới cảm nhận được lấp lánh hạnh phúc. Niềm vui nhân lên từ những điều bình dị như thế.
Sắp đến ngày 8-3, em đã đặt một thỏi son có màu ưng ý, tặng mình một đôi bông tai nhỏ xinh tô điểm cho chiếc đầm duyên dáng.
Có thể phái nam sẽ "đắc thắng", trong đó chắc có anh nữa, rằng đã "đồng hóa" được phái nữ, để họ thích ứng với việc không còn đòi hoa quà những ngày lễ. Như thế sẽ chẳng có phiền muộn, lo lắng nên tặng hoa hay quà gì nữa.
Nhưng phái nam biết không, một khi phụ nữ chọn cách tự làm họ vui, nghĩa là trái tim đã nhường chỗ cho điều quan trọng hơn hết, chính là yêu thương bản thân trên hết.
Sợ rằng sau những tổn thương, tủi hờn của người phụ nữ, thậm chí giấu nước mắt vào trong sau dịp lễ, khoảng cách tình yêu càng nới lỏng ra. Khi ấy dù có muốn chắp vá đến mấy cũng để lại những miếng vá chưa liền sẹo mà thôi!
Mời bạn đọc cùng trao đổi, chia sẻ về chủ đề: "Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?" gửi về email bichdau@tuoitre.com.vn hoặc bình luận ở dưới bài. Cảm ơn bạn đọc.
'Quá căng thẳng' là lời anh Huy Mạnh (36 tuổi, làm việc lĩnh vực bất động sản ở quận Tân Bình, TP.HCM) nửa đùa nửa thật khi được hỏi về việc mua quà tặng bạn gái dịp 8-3.