Ông Tuấn cho biết thời gian gần Tết Giáp Thìn 2024 ông đã đi khảo sát ở các tỉnh ven biển gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Thích ứng dần với hạn, mặn
* Qua chuyến khảo sát, ông có nhận định gì về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn của mùa khô năm nay?
- Tôi đi xem tình hình ở các tỉnh trên, lúc đó đã thấy dấu hiệu nước ngọt càng ít dần đi, mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền và các địa phương đã rục rịch chống hạn, mặn khi một số cống được đóng lại do sợ mặn theo triều tràn vô.
Ngoài ra, trong những ngày Tết, ở Mỹ Tho (Tiền Giang) và một số địa phương có hiện tượng không có mưa, dù ngay giữa mùa khô mà nước ngập rất nặng do triều cường. Đó là do bởi chúng ta ngăn mặn chỗ này lại gây ngập chỗ khác và đó cũng là nguyên nhân làm nước mặn xâm nhập sâu hơn nữa vào đất liền.
* Thưa ông, mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020 đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho người dân vùng Tây Nam Bộ. Từ "bài học" này, ông thấy mùa khô năm nay chính quyền các địa phương và người dân đã có chuẩn bị, những mô hình gì để thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn?
- Tôi thấy chính quyền địa phương và người dân đã ứng phó hạn, mặn từ rất sớm qua việc vụ lúa đông xuân họ xuống giống từ rất sớm. Đó là thời điểm khi dứt mưa là họ xuống giống liền, nên đã kịp thu hoạch trước khi mặn xâm nhập. Đây là giải pháp né mặn.
Thứ hai, từ kinh nghiệm mùa khô 2015 - 2016, 2019 - 2020 có một số nơi đã trữ nước trong mương. Một số hộ còn dám bỏ tiền ra mua túi vải chứa nước (loại 5, 10, 25m3) lót dưới mương chứa nước.
Thứ ba là nông dân biết cách rải rơm, cỏ trên ruộng để chống bốc hơi nước. Khi giữ được độ ẩm trong đất cũng là cách giảm bớt tình hình xâm nhập mặn.
Các nhà vườn cho biết mặn có nguy cơ gây thiệt hại cho vườn cây ăn trái. Họ chấp nhận chỗ nào có nguy cơ mặn mà không có nước ngọt đầy đủ thì mua nước từ thượng nguồn về tưới cầm chừng cho cây không chết, hoặc khi cây ra trái thì họ cắt bỏ.
Hoặc chỗ nào nước ít quá thì ưu tiên cho việc ăn uống, sau đó cho chăn nuôi, có dư nữa thì mới nghĩ tới một số loại cây ít tốn nước như các loại rau, không ưu tiên cho cây lúa. Hoặc người ta giữ nước để lâu lâu châm vô các ao nuôi thủy sản.
Nhiều hộ nông dân nuôi tôm giờ đây đều lót bạt chống thấm bên dưới đáy, còn bên trên cũng che lưới để tránh bốc hơi. Có nghĩa là hiện nay người dân đã biết làm mọi cách để trữ nước, để giảm mất nước hoặc xài tiết kiệm.
Họ cũng biết canh tác né mặn như xuống giống lúa sớm vụ đông xuân. Những kinh nghiệm và giải pháp ứng phó này có được cũng là từ những kinh nghiệm trả giá rất đắt trong mùa khô 2015 - 2016 và 2019 - 2020.
Cần trữ, tiết kiệm nước
* Ông khuyến cáo gì về giải pháp trước mắt để người dân có thể thích ứng, sống chung với hạn mặn?
- Việc ứng phó hạn, mặn là phải tính ngay từ mùa mưa. Lúc đó thấy mưa ít, nước lũ về ít thì phải chuẩn bị ngay. Còn đến giờ mà ứng phó thì hơi muộn. Lúc đó tôi đã cảnh báo năm nay lũ thấp, mưa ít nên cố gắng cuối mùa mưa có những trận mưa lớn thì cần trữ nước càng nhiều càng tốt.
Thứ hai là xuống giống ngay lúc đó khi còn nước. Và khi thu hoạch rồi thì đừng xuống giống lúa nữa. Thậm chí một số vùng thấy nguy cơ xâm nhập mặn rõ ràng thì nên bỏ ruộng không. Tôi nói thì nhiều người bất ngờ, chứ thật ra có những tình huống mình không làm gì thì đó cũng là một giải pháp. Như trong trường hợp này nếu tiếp tục gieo trồng thì sẽ thiếu nước, bị thiệt hại, tính ra có thể không tốt hơn so với bỏ đất trống qua cơn hạn mặn này.
Kế tiếp là nghĩ tới việc tiết kiệm nước. Ngay cả các công ty cấp nước vùng ven biển giờ cũng phải chấp nhận một số thời điểm nước máy nhiễm mặn do xử lý cũng không hết. Họ dự kiến chở nước ngọt ở thượng nguồn về cung cấp cho những nhà máy cấp nước. Và dù có chở về thì cũng giải quyết một phần nào đó bởi ngay cả vùng thượng nguồn cũng thiếu nước.
* Còn về lâu dài, người dân và chính quyền địa phương cần làm gì để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, cung ứng tốt sản phẩm nông sản trong mùa hạn, mặn?
- Về lâu dài nên khôi phục vùng trũng trữ nước. Trước đây vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên là vùng trũng, chứa nước tự nhiên, mà giờ người ta làm đê bao để tăng vụ. Những vùng này cần khôi phục việc trữ nước.
Trữ ở đây không phải là đào làm hồ chứa vì đây là con dao hai lưỡi, cái tôi nói là trữ nước tự nhiên, vì thiên nhiên đã tạo ra cái đó cho đồng bằng sinh sống, mình đã làm trái thiên nhiên thì phải trả giá. Việc làm các công trình hồ chứa nước đào quá sâu, có hồ hơn chục mét để trữ nước sẽ đụng tới tầng phèn thì nước ngọt sẽ bị chua, cái này phải hết sức thận trọng.
Khi đào sâu thì chẳng qua hồ chứa sẽ rút nước từ ao, đìa xung quanh vì nước từ cao chảy xuống qua khe nứt thôi. Trữ cái này coi chừng rút nước của dân. Cho nên cần cẩn thận trong việc này. Nhưng hạ tầng đã đầu tư rồi thì khắc phục trữ nước ra sao?
Theo tôi, giải pháp là đừng mở rộng thêm. Còn chỗ nào thấy làm lúa ba vụ có thể giảm còn hai vụ, vụ còn lại xả nước vào trữ lại, giúp cải tạo đất.
Bảo vệ và phát triển thêm những cánh rừng
Theo TS Lê Anh Tuấn, trong chuyến khảo sát vừa qua ông cũng trao đổi với những hộ dân trồng dừa ở Bến Tre. Và bây giờ ở Bến Tre trồng dừa nhiều đến nỗi người ta không gọi là vườn dừa mà gọi là rừng dừa. Rễ dừa hút nước nuôi thân, đưa vào trái rất ngọt và còn giúp giữ ẩm, giữ nước cho đất.
Nhìn rộng ra, các cánh rừng giúp giữ nước cho đất, giữ ẩm như vậy. Do đó việc bảo vệ các khu rừng ở một số nơi cũng là cách giúp giảm thiểu tình trạng xâm nhập mặn cho đất liền.
Hạn hán, xâm nhập mặn đã được dự đoán trước nên chính quyền và người dân các địa phương ở miền Tây đã chủ động các giải pháp "sống chung" với hạn mặn, giảm tối đa thiệt hại.