Sản xuất gắn với thị thường
Sau Tết Nguyên đán, giá sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục duy trì ở mức cao. Sầu riêng Monthong loại A được các vựa ở Tiền Giang mua giá 200.000 đồng một kg, tăng gần 20% so với cuối năm ngoái.
Từ đầu năm 2024, giá sầu riêng vào đà tăng mạnh. Sầu riêng Monthong loại 1 thu mua tại vườn có giá 180.000-185.000 đồng/kg, sầu Ri6 giá 125.000-130.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tính toán, với mức giá như hiện nay, nhà vườn trồng sầu riêng có thể lãi 2-2,5 tỷ đồng/ha tùy loại và tùy sản lượng.
“Giá sầu riêng đắt đỏ đến mức nông dân chỉ cần bán 1 quả sầu riêng Monthong trọng lượng hơn 5kg đã thu về 1 triệu đồng. Hiện nay nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng đã đẩy giá lên cao chót vót. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn mạnh tay gom mua hàng để xuất khẩu”, ông Lộc nói.
Còn tại tỉnh Bến Tre, do hiệu quả từ giá sầu riêng tăng mạnh, các nhà vườn đang liên tục làm trái với kỳ vọng mang lại nguồn kinh tế cao.
Đầu tháng 3/2024, giá sầu riêng tại Bến Tre giao động từ 180.000 - 200.000 đồng cho sầu riêng monthon. Việc này khiến người dân rất phấn khởi. Hiện tại mặc dù một số khu vực tại tỉnh Bến Tre đang bị xâm nhập mặn, tuy nhiên với sự chủ động của người dân và các nghành chức năng thì vấn đề sản xuất trái vẫn được đảm bảo.
Theo đó, thương lái đang thu mua sầu riêng tại vườn giá cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Với năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ha bình quân, mỗi ha thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu kỷ lục.
Hay ở tỉnh Đắk Lắk, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, ngụ huyện Cư M'gar sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng thì có lợi nhuận khoảng 3,7 tỷ đồng từ vườn sầu riêng. Còn gia đình ông Đỗ Việt Hùng cùng địa phương đã cho thu hoạch sầu riêng năm thứ 3. Vụ thu hoạch vừa qua, vườn sầu riêng của gia đình ông Hùng đạt hơn 300 tấn, bán với giá 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ các loại chi phí phân bón, thuốc men, công chăm sóc, thu hái khoảng 2,5 tỷ đồng, gia đình ông Hùng lợi nhuận hơn 21 tỷ đồng.
Để phát huy hơn nữa thế mạnh cây trồng đặc sản, các địa phương đang chú trọng chuyển giao kỹ thuật thâm canh. Đặc biệt là xử lý rải vụ cho thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ trong năm, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, dội chợ, mất giá.
Đồng thời, ngành nông nghiệp các tỉnh nỗ lực tận dụng cơ hội trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và thị trường các nước, xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường quốc tế.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, Việt Nam có trên 131.000 ha sầu riêng được trồng ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Tây. Tây Nguyên là thủ phủ lớn nhất về diện tích sầu riêng, trong đó Monthong là giống chiếm đa số.
Tính từ tháng 7/2022 khi sầu riêng Việt được xuất chính ngạch sang Trung Quốc đến nay, loại nông sản này luôn có giá bán cao, từ 70.000-200.000 đồng một kg. Nhờ đó, năm 2023, cây sầu riêng mang lại lợi nhuận bình quân trên 1,5 tỷ đồng một ha, cao hơn 526 triệu đồng một ha so với năm 2022.
Tại Việt Nam, sầu riêng trái vụ được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây, trong đó Tiền Giang có diện tích lớn nhất. Tới nay, Tiền Giang có 21.790 ha trồng sầu riêng, tăng hơn 23% và sản lượng ước đạt hơn 386.000 tấn (chiếm gần 22% tổng sản lượng cây ăn quả), tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2023.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thì sầu riêng là loại trái cây được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ở thị trường này, sầu riêng đã trở thành loại trái cây cao cấp. Dự báo giá sầu riêng sẽ còn tăng mạnh khi nguồn cung hàng trái vụ số lượng hạn chế, trong khi nhu cầu tại Trung Quốc lại tăng cao.
“Trong 10-20 năm tới, sầu riêng Việt Nam vẫn “sống khoẻ”. Đặc biệt, việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông sẽ nước ta tận dụng tối đa lợi thế bảo quản để xâm nhập thị trường tốt hơn. Trung Quốc là quốc gia có trên 1,4 tỷ dân, người dân nhiều nơi chưa ăn được trái sầu riêng tươi nên khi cấp đông, sầu riêng Việt sẽ có mặt ở những vùng đất xa xôi của quốc gia này với giá hợp lý hơn”, ông Nguyên lạc quan.
Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Hiện, phía thị trường Trung Quốc cũng đã có nhiều yêu cầu về chất lượng trái sầu riêng xuất khẩu, từ đó cũng cảnh báo rằng nếu người trồng sầu riêng không chú trọng vào chất lượng mẫu mã và chất lượng hàng hóa thì sẽ khó tận dụng được tối đa dư địa của thị trường này.
Thêm vào đó, trong tương lai, cây sầu riêng Việt Nam sẽ còn phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Philippines và Malaysia. Chính vì thế, để tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai, sầu riêng Việt Nam cần duy trì tốt chất lượng, tránh tăng trưởng quá nóng và chỉ tập trung vào số lượng.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt 2,1 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng xuất sang Trung Quốc đạt 2,03 tỷ USD, chiếm 99,4% tổng trị giá xuất khẩu loại trái cây này của nước ta.
Còn TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, sầu riêng nước ta cần đảm bảo chất lượng ngay từ trong nước thông qua đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có mã vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm yêu cầu đóng gói…
“Sầu riêng Việt Nam cần ý thức được vấn đề phải cạnh tranh với đối thủ đến từ các quốc gia khác. Do đó, không chỉ tập trung xuất khẩu sầu riêng tươi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để nâng khả năng cạnh tranh và chinh phục khách hàng”, ông Nam chỉ ra.