Lúc 7h30 ngày 3/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao dịch ở mức 83,39 USD/thùng, giảm 0,16 USD so với đầu giờ sáng qua. Còn giá dầu WTI ở mức 79,97 USD/thùng, không có thay đổi so với đầu giờ ngày hôm qua.
Đáng chú ý giá dầu giảm sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang suy yếu, có thể làm giảm nhu cầu dầu thô.
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, trong tháng 1 tăng 0,3%. Chỉ số PCE lõi tăng 0,4%. Chỉ số này cho thấy lạm phát tháng 1 phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế nên vẫn có khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
Theo Reuters, dữ liệu từ một số nền kinh tế lớn nhất khu vực cho thấy lạm phát khu vực đồng Euro tiếp tục giảm trong tháng 2, củng cố thêm khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu nới lỏng lãi suất vào cuối năm nay. Lãi suất cao giúp nhiều nền kinh tế lớn của phương Tây kiềm chế lạm phát, có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Về phía nguồn cung, tồn kho dầu thô ở Mỹ, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp với mức tăng 4,2 triệu thùng.
Đặc biệt, dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 4,2 triệu thùng tiếp tục đẩy giá dầu lao dốc ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Tại phiên này, giá dầu khó có thể đảo chiều sau PCE của Mỹ cho thấy lạm phát tháng 1 phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, nên vẫn có khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới và kết quả khảo sát cho thấy sản lượng của OPEC+ tăng.
Sự nín thở hóng quyết định của OPEC+ về cắt giảm sản lượng và một loạt các dữ liệu kinh tế từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã đẩy giá dầu tăng 2% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Trong khi đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong tháng 2 chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 49,1, giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, lạm phát tại khu vực đồng Euro giảm 2,6% nhưng mức tăng giá cơ bản vẫn ở mức cao.
Với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên trái chiều, giá dầu tuần này đã ghi nhận một tuần tăng giá. Tuần trước, cả dầu Brent và WTI cùng lao dốc.
Giá xăng dầu trong nước
Từ 15h ngày 29/2, giá xăng E5 RON92 tăng 277 đồng/lít, không cao hơn 22.752 đồng/lít; xăng RON95 tăng 330 đồng/lít, không cao hơn 23.929 đồng/lít.
Trong khi đó, dầu diesel giảm 137 đồng/lít, không cao hơn 20.773 đồng/lít; dầu hỏa giảm 135 đồng/lít, không cao hơn 20.785 đồng/lít; dầu mazut tăng 30 đồng/kg, không cao hơn 15.959 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập quỹ bình ổn giá với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước); không trích lập với các mặt hàng xăng, dầu diesl và dầu hỏa.
Trúc Chi (t/h theo Quân Đội Nhân Dân, VTC News)