vĐồng tin tức tài chính 365

Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát: Hàng ngàn công ty "vệ tinh", cá nhân chuyên ký khống

2024-03-14 10:49

Người quyết định "giải quỹ”, "cắt" dòng tiền

Ngày 13/3/2024, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm bước vào ngày làm việc thứ 7 với phần xét hỏi của các luật sư. Các luật sư tham gia xét hỏi đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc), Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc), Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT, cùng Ngân hàng SCB), Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tường Việt), Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)...

Trong đó, các luật sư tập trung làm rõ về hồ sơ vay, việc thẩm định nâng giá tài sản bảo đảm, dòng tiền chảy về các công ty "ma" trong "hệ sinh thái" của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và việc chỉ đạo "giải quỹ” nhằm "cắt" dòng tiền để phục vụ mục đích của bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Nguyễn Phương Anh khai đã nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Hồ Bửu Phương, còn bà Trường Mỹ Lan chỉ vài lần đầu chỉ đạo, phối hợp với Phương tham gia việc "giải quỹ". "Vậy những khi Hồ Bửu Phương nghỉ phép hoặc vắng mặt tại công ty thì việc thực hiện "giải quỹ" như thế nào?" - Một luật sư hỏi. "Phải có anh Bửu Phương thì mới quyết định việc "giải quỹ”" - Bị cáo Nguyễn Phương Anh khẳng định.

"Trong bản khai, bị cáo Nguyễn Phương Anh từng viết rằng số tiền "giải quỹ” vài trăm, thậm chí hơn cả ngàn tỷ đồng trong một ngày theo nhu cầu sử dụng tiền của bị cáo Lan, có đúng không?" - Một luật sư hỏi. Bị cáo xác nhận đúng. Cụ thể, nếu Hồ Bửu Phương nghỉ phép hoặc bận công tác, không quyết định thì việc "giải quỹ” để "cắt" và lấy dòng tiền ra theo yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Anh sẽ phối hợp với Phan Chí Luân sử dụng hợp đồng tín dụng để rút tiền ra trước, sau đó cung cấp danh sách công ty, cá nhân hứa mua bán, chuyển nhượng để hợp thức hóa việc "giải quỹ” sau.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Phương Anh làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2009, đến năm 2018 được bà Trương Mỹ Lan giao quản lý, điều hành nhân viên của Công ty Sài Gòn Peninsula trong việc tìm người đứng tên đại diện pháp luật các công ty "ma", đứng tên cổ phần, vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền để tạo dựng hồ sơ vay khống rút tiền giải ngân tại Ngân hàng SCB. Cuối năm 2019, bị cáo Nguyễn Phương Anh được bà Trương Mỹ Lan bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, là đầu mối cùng lãnh đạo chủ chốt Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay khống. Mỗi năm, bị cáo Nguyễn Phương Anh được cấp kinh phí hoạt động 100 tỷ đồng, dùng để trả lương cho các cá nhân đứng tên những công ty "ma".

Tại tòa, bị cáo Hồ Bửu Phương xác nhận bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo mình hỗ trợ bị cáo Nguyễn Phương Anh thực hiện việc "giải quỹ”. Việc "giải quỹ” đã có từ trước, Hồ Bửu Phương là người tiếp tục kế thừa theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. Hồ Bửu Phương là nhân vật chủ chốt trong việc tạo lập các hợp đồng "hứa mua, hứa bán" cổ phần trong vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để "giải quỹ" các khoản tiền rút từ Ngân hàng SCB.

Vai trò của các công ty "ma"

Cáo trạng xác định, Hồ Bửu Phương là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến ngày 31/7/2020. Ngoài chuyên môn về tài chính, Phương còn được bị cáo Trương Mỹ Lan giao phối hợp với Văn phòng HĐQT tập đoàn này, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án "giải quỹ” đối với số tiền được Ngân hàng SCB giải ngân.

Do "hệ sinh thái" Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất rộng, với hàng nghìn công ty "vệ tinh", hàng nghìn người được thuê đứng tên, ký khống trên tờ giấy trắng A4 và được trả lương tháng. Khi các khoản vay được Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản của công ty "ma" thụ hưởng tiền theo phương án vay vốn khống, bộ máy "giải quỹ” sẽ hoạt động. Các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống được lập, trong đó các công ty "ma" được thụ hưởng tiền giải ngân sẽ hứa mua cổ phần của các cá nhân được thuê đứng tên. Sau khi các công ty "ma" chuyển tiền, các cá nhân này sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền. Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục "các khoản phải thu", không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan thuế, cơ quan thanh tra kiểm tra, phát hiện sai phạm.

Bị cáo Nguyễn Phương Anh

Theo hồ sơ, có 277 khoản vay của 118 công ty tại Ngân hàng SCB là bằng các hợp đồng hứa chuyển nhượng do Hồ Bửu Phương tạo lập. Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay này còn dư nợ gốc là 216.982 tỷ đồng và dư nợ lãi là 99.228 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được rút ra dưới hình thức tạo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống là 190.771 tỷ đồng. Hồ Bửu Phương đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 163.155 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền nợ lãi là 99.228 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho bằng tiền riêng?!

Trước câu hỏi của luật sư về số lượng tiền rất lớn cho Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) là 40 tỷ đồng, hơn 100 tỷ đồng bằng cổ phần thưởng cho Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng giám đốc) và nhiều nguyên lãnh đạo khác của Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày không nhớ cụ thể 2 tỷ hay 20 tỷ đồng, bao nhiêu cổ phiếu..., nhưng cho đều toàn bộ dàn lãnh đạo, nhân viên của Ngân hàng SCB.

Bị cáo Hồ Bửu Phương tại bục khai báo

"Cho nhân viên Ngân hàng SCB có cần xét duyệt của ai không? Theo bị cáo, tiền đó của Ngân hàng SCB hay tiền của bị cáo?" - Một luật sư hỏi. "Toàn bộ tiền của bị cáo" - Bà Trương Mỹ Lan trả lời. Luật sư hỏi có cái gì để chứng minh đó là tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan hay không. Bà này trả lời rằng bạn của mình có nhiều cổ phần bán cho Ngân hàng SCB, còn mình không cần chứng minh. "Tiền của tôi không cần chứng minh vì nó rất nhỏ so với tôi" - Bị cáo Trương Mỹ Lan đáp - "Tiền của cá nhân tôi cho họ. Tôi nói chủ trương cho, còn thực hiện việc cho là nhân viên làm, chứ tôi không trực tiếp...".

Những buổi xét hỏi trước, bị cáo Bùi Anh Dũng khai về số tiền 40 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan vào 2 dịp Tết năm 2020 và 2021 là nghĩ mình làm việc tốt nên "bà chủ” thưởng. Nhưng tại tòa sáng 13/3/2024, bị cáo Trương Mỹ Lan lại khai rằng vợ của Bùi Anh Dũng và con của bị cáo này cũng làm việc tại Ngân hàng SCB, lấy danh nghĩa "phu nhân của Chủ tịch HĐQT" quấy quả khiến Ngân hàng SCB rối ren hơn. Do đó, bà Trương Mỹ Lan bảo nhân viên nói với Bùi Anh Dũng lấy số tiền đó về sắp xếp chuyện gia đình và động viên vợ... nghỉ việc.

Về việc định giá dự án Mũi Đèn Đỏ, luật sư đặt câu hỏi với bị cáo Dương Tấn Trước: "Với người tư vấn dự án cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, liên quan dự án Mũi Đèn Đỏ, định giá của Savills là 180.000 tỷ so với giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân là hơn 17.000 tỷ. Bị cáo thấy chênh lệch ra sao?" - Một luật sư hỏi. "Tôi hoàn toàn không biết. Tôi là người không liên quan Ngân hàng SCB, chỉ vì có mối quan hệ với chị Lan nên mới rơi vào hoàn cảnh hôm nay. Tôi chỉ đọc phần cáo trạng liên quan tới mình" - Bị cáo Dương Tấn Trước xin phép không trả lời câu hỏi trên của luật sư.

Cáo trạng cáo buộc Dương Tấn Trước là đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan, từng được thưởng 1.500 tỷ đồng. Tháng 4/2021, bị cáo Dương Tấn Trước được bà Trương Mỹ Lan và Trương Khánh Hoàng thỏa thuận chuyển nhượng dự án Thanh Yến tại P.Bình An, Q2 (nay là TP.Thủ Đức) cho Công ty Tường Việt, với giá 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dương Tấn Trước không phải trả tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay 3.500 tỷ đồng tại Ngân hàng SCB, trong đó 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, 1.000 tỷ đồng để bà Trương Mỹ Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho Ngân hàng SCB. Ngày 19/5/2021, Ngân hàng SCB ký thỏa thuận cho vay, lần lượt giải ngân 1.700 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là hơn 7.000m2 đất và tài sản gắn liền với đất của dự án Thanh Yến. Đến ngày 17/10/2022, 2 khoản vay trên còn dư nợ gốc là 3.500 tỷ đồng, nợ lãi là hơn 589 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Dương Tấn Trước còn giúp bà Trương Mỹ Lan một số việc khác như xin cấp giấy phép xây dựng dự án Mũi Đèn Đỏ và Sài Gòn Bình An nên bà Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung (lúc đó là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng bằng phương án và hợp đồng mua bán khống giữa các công ty trong nhóm Công ty Tường Việt. Ngân hàng SCB đã giải ngân 18 lần, tổng cộng là 1.498 tỷ đồng. "Thực chất là rút tiền Ngân hàng SCB để Trương Mỹ Lan cho Dương Tấn Trước số tiền trên" - Cáo trạng nêu.

Văn Toàn - Bích Hà

Xem thêm: lmth.559951_gnohk-yk-neyuhc-nahn-ac-hnit-ev-yt-gnoc-nihgn-gnah/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát: Hàng ngàn công ty "vệ tinh", cá nhân chuyên ký khống”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools