"Mật mã đỏ" của Israel
Gilad Erdan, Đại diện thường trực của Israel tại Liên Hợp Quốc cho biết quốc gia Trung Đông này đang "làm việc để cung cấp cho Ukraine các hệ thống cảnh báo sớm".
Ông Erdan cho biết những hệ thống như vậy sẽ giúp "cứu mạng sống dân thường khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga".
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Israel nói với Business Insider rằng hệ thống này "không phải là Iron Dome", hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Israel.
Đúng hơn, nó sẽ là một "hệ thống báo động" giúp "đưa mọi người vào nơi trú ẩn". Người phát ngôn nói với BI rằng nó có thể sẽ rất giống với hệ thống radar Tzeva Adom của Israel.
Tzeva Adom, có nghĩa là "Mật mã đỏ" là một hệ thống radar cảnh báo sớm.
Hệ thống này ban đầu được Lực lượng Phòng vệ Israel lắp đặt tại các thị trấn xung quanh Dải Gaza vào cuối những năm 1990, nhưng hiện bao phủ toàn bộ Israel.
Khi phát hiện dấu hiệu phóng tên lửa, hệ thống cảnh báo phát sóng công cộng trong các khu dân cư và căn cứ quân sự lân cận của Israel sẽ tự động được kích hoạt.
Một giọng nữ được ghi âm trước sẽ đọc "Tzeva Adom" 4 lần. Chu kỳ phát sóng này tiếp tục cho đến khi không phát hiện thêm lần phóng nào nữa.
Cảnh báo cũng đã có sẵn thông qua một ứng dụng trên thiết bị iOS và Android kể từ năm 2014. Israel là một trong những nước dẫn đầu thế giới về hệ thống phát hiện cảnh báo sớm.
Việc sử dụng hệ thống này ở Ukraine có thể đồng nghĩa với việc Israel sẽ cần cử đội ngũ chuyên môn đến giúp Ukraine tích hợp hệ thống này. Người phát ngôn của Israel hiện chưa xác nhận khi nào việc này sẽ diễn ra nhưng cho biết hệ thống Tzeva Adom và những hệ thống tương tự sẽ giúp người Ukraine có thêm thời gian để di chuyển đến các nơi an toàn.
Cú giáng mạnh vào quan hệ Israel-Nga
Mặc dù động thái của Israel khó có thể thay đổi đáng kể cuộc xung đột nhưng điều nàu vẫn báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Israel.
Erdan gọi Ukraine là "đồng minh" và "những người bạn đang cần giúp đỡ" của Israel. Ông Erdan nói thêm rằng "nhà nước Israel luôn và sẽ tiếp tục duy trì cam kết với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Trong hai năm qua, Israel đã tuân theo đường lối ngoại giao cẩn trọng đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ở giai đoạn đầu cuộc xung đột, Israel đã cung cấp "hơn 100 tấn thiết bị nhân đạo", như ông Erdan nói trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc.
Một bệnh viện dã chiến ở biên giới Ukraine đã "điều trị cho hơn 7000 người bị thương" và "hàng trăm bệnh nhân Ukraine được chăm sóc tốt nhất có thể" tại các bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng trên khắp Israel.
Nhưng Israel đã ngừng gửi viện trợ quân sự hoặc tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây một phần vì không muốn khiêu khích Nga.
Hai nước từng có quan hệ tốt đẹp. Thủ tướng Israel Netanyahu từng gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "bạn tốt". Từ năm 2015, Thủ tướng Israel đã đến thăm Nga hơn 10 lần.
Hồi tháng 6/2023, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ lo ngại nếu Israel viện trợ vũ khí cho Ukraine, những vũ khí này có thể "rơi vào tay Iran và được dùng để chống lại Israel". Bình luận này đã khiến Ukraine tức giận.
Tuy nhiên, khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra, Nga đã mời các lãnh đạo cấp cao của nhóm vũ trang kiểm soát Dải Gaza tới thăm. Điều này đã khiến Israel bất bình.
Bộ Ngoại giao Israel chỉ trích quyết định mời Hamas tới Moscow và kêu gọi Nga lập tức trục xuất phái đoàn Hamas. Tuy nhiên Nga không đáp lại yêu cầu này.
Gần nhất, cuối tháng 2 năm nay, Nga đã tổ chức một cuộc họp gồm đại diện của Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo tại Moscow.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói với hãng thông tấn TASS rằng đại diện của Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo sẽ được chào đón tại thủ đô của Nga để giúp các lực lượng Palestine thống nhất về mặt chính trị.
Amir Weitmann, chính trị gia trong đảng cầm quyền Likud của Israel cho rằng đây "chỉ là bước khởi đầu" trong cam kết của Israel với Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh RT của Nga vào cuối năm ngoái, ông Weitmann từng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng".