Nhưng nếu bạn có thời gian, hãy chọn coi phim này, nhất là vào một đêm hè trong trẻo lấp lánh đầy sao, giữa một không gian thoáng rộng như cách mà xe chiếu phim di động trong tác phẩm điện ảnh này tổ chức những buổi chiếu của mình.
Vì sao lấp lánh
Đó là Thái Lan năm 1970, hay nói như phim là năm 2513 theo Phật lịch, một chiếc xe cà tàng chồng chất hành lý bon bon trên đường làng, phát loa phóng thanh mời gọi bà con đi xem phim.
Một tấm bạt giăng trước chợ hay giữa rừng, mắc qua những cành cây. Một chiếc máy chiếu thô sơ. Và quan trọng nhất, một người đàn ông lồng tiếng cho tất cả nhân vật nam phụ lão ấu trong bộ phim mà anh ta chiếu.
Once Upon a Star | Movie Trailer | Netflix
Phải chi anh là một nghệ sĩ thuyết minh hay lồng tiếng chuyên nghiệp. Nhưng đâu, anh chỉ là một nhân viên bình thường, thành ra anh bị khán giả khó tính chửi là "giọng nữ chính nghe như chó tè vào chậu vậy"!
Để khắc phục, anh đã vượt quyền tuyển thêm vào đoàn chiếu dạo một nhân viên nữ để kết hợp cùng nhau lồng tiếng cho phim.
Từ đây, một hành trình với vui buồn, giận hờn, xung đột được mở ra, trong một không gian hoài niệm, về một thời đã qua và sẽ không bao giờ trở lại. Một thời của tình yêu điện ảnh buổi ban sơ. Và có một ngôi sao sáng lóe giữa trời rồi tắt đi vội vã.
Trong những thước phim cuối cùng, đạo diễn và cũng là đồng biên kịch của phim đã dành những dòng "tưởng nhớ ngôi sao điện ảnh bất diệt trung tướng không quân Pichet Poomhem".
Pichet Poomhem hay Mitr Chaibancha là ngôi sao điện ảnh thời danh vào những năm 1960.
Ông qua đời năm 1970 do tai nạn trong lúc tự mình thực hiện một cảnh quay hành động. Mitr Chaibancha tự đu mình trên một chiếc trực thăng và đã trượt tay.
Vào thời đỉnh cao sự nghiệp, Chaibancha đóng phân nửa số phim Thái Lan sản xuất trong một năm. Trong Ngày xưa có một ngôi sao, hình ảnh Mitr Chaibancha xuất hiện rất nhiều.
Ảnh chụp ông mặc bộ quân phục được dán bên trong chiếc xe của đoàn chiếu phim. Đoàn thường chiếu các bộ phim có Chaibancha đóng chính, cảnh nhân vật trong phim được gặp và xin chữ ký của Chaibancha.
Cuối phim, đạo diễn còn dựng lại cảnh đám tang Chaibancha ở chùa với rất đông khán giả đến gặp mặt "ngôi sao" của lòng mình lần cuối.
Chở phim về làng của bạn
Nhưng bầu trời đêm không chỉ có một ngôi sao, chuyện phim cũng không chỉ nói về một ngôi sao. Đó còn là muôn vì tinh tú nhỏ bé le lói chầu tuần bên ngôi sao lớn.
Những tinh tú này không phải là diễn viên, nhà làm phim mà là những người như đoàn chiếu phim lưu động kia, âm thầm quảng bá các bộ phim, là chiếc cầu nối giữa khán giả và nền điện ảnh.
Những tinh tú cô lẻ làm cho ngôi sao lớn nọ rực rỡ thêm, cũng giống như những vì sao vô danh trên bầu trời vẫn lặng lẽ sáng.
Kỳ thực đoàn chiếu phim lưu động trong phim trực thuộc công ty dược. Chiếu phim với họ chỉ là một hình thức quảng cáo ấn tượng vào thế điểm đó.
Họ chiếu phim để thu hút khán giả. Đến đoạn cao trào như cảnh hai nhân vật trên màn chiếu sắp sửa hôn nhau, họ sẽ tạm dừng và dành ra vài phút để quảng cáo và bán hàng.
Qua thời gian, hình thức này cũng dần lỗi thời, không tạo được hiệu quả cao và khán giả có thể cảm nhận rằng các nhân vật trong phim đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Quả là sau hơn nửa thế kỷ, chúng ta của hôm nay khó có thể hình dung cái buổi sơ kỳ của nghề tiếp thị nếu chưa xem Ngày xưa có một ngôi sao.
Từ việc chiếu phim chỉ hỗ trợ bán hàng, các thành viên của đoàn đã chứng minh họ có tình yêu điện ảnh chân thành và không vụ lợi. Có cả cạnh tranh về nghề lồng tiếng giữa những đoàn làm phim với nhau.
Có những nỗ lực để giúp khán giả thưởng thức bộ phim trọn vẹn hơn. Họ không chỉ lồng tiếng, họ còn là người tạo âm thanh cho phim, phát nhạc nền cho phim...
Điều đó làm trải nghiệm điện ảnh của khán giả xem phim dạng này trở nên độc nhất. Mỗi lần họ sẽ nghe được những tiếng nói khác nhau, nhấn nhá ngữ điệu khác nhau, âm nhạc khác nhau và tiếng động cũng khác nốt.
Những người tận tụy như đoàn chiếu phim trong Ngày xưa có một ngôi sao có thể bị bỏ quên trong nền điện ảnh phát triển, trong cuốn điện ảnh sử.
Nhưng từng có thời họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng: mang phim đến khán giả. Tưởng tượng xem, có thể hạt mầm tình yêu điện ảnh đã gieo vào tâm hồn bao đứa trẻ Thái Lan sẽ trở thành những nhà làm phim tương lai, bằng những bộ phim như thế.
Trong phim có đoạn đoàn phải băng rừng lội suối, đi giữa binh lửa tao loạn đem phim đến chiếu ở một làng sâu trong núi.
Khi ấy, chiếu phim không còn là công việc, chiếu phim trở thành lý tưởng. Như thế, Ngày xưa có một ngôi sao có thể coi là cách Nonzee Nimibutr tôn vinh những vị tiểu thần hộ mệnh bị lãng quên của điện ảnh Thái Lan.
Nonzee Nimibutr là đạo diễn của các phim như Nang Nak (Người vợ ma) hay Jan Dara (Mẹ kế) - những phim mà dù không phải tín đồ của điện ảnh Thái ngữ, hẳn khán giả cũng từng biết hoặc coi qua.
Trong đó, Nang Nak là một trong những phim kinh dị ấn tượng của nền điện ảnh châu Á. Khi công chiếu năm 1999, phim trở thành bộ phim Thái đầu tiên trong lịch sử thu về 100 triệu baht tiền vé.
Nonzee Nimibutr được xem là đạo diễn nổi bật thuộc thế hệ "làn sóng mới" của điện ảnh Thái Lan.
Chỉ trong nửa đầu năm 2023, Thái Lan là phim trường của 222 phim nước ngoài, thu 52 triệu USD. Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang ở đâu? Chúng ta thiếu gì để chưa là điểm đến của các đoàn phim quốc tế?