vĐồng tin tức tài chính 365

Mật dừa nước vươn xa

2024-03-03 18:56

 

Từng giọt mật nhỏ xuống được người nông dân thu hoạch lúc 3 - 4g sáng tươi ngon nhất, đưa về nhà máy chế biến, đóng gói, đến tay người tiêu dùng
Từng giọt mật nhỏ xuống được người nông dân thu hoạch lúc 3 - 4g sáng tươi ngon nhất, đưa về nhà máy chế biến, đóng gói, đến tay người tiêu dùng

Ôm nỗi trăn trở lớn, Phan Minh Tiến (nhà sáng lập Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam - VIETNIPA) mày mò đọc sách, nghiên cứu, thử nghiệm, ngày nọ, “chân lý” đã ló rạng nhưng không phải ở trái dừa hay cơm dừa mà cách đó 1 gang tay: trên cuống dừa, nơi khơi thông những giọt mật óng ánh.

Mòn mỏi chờ cái "bắt tay" từ cây dừa nước 

Phóng viên: Hình như mật dừa nước giống “cô nàng đỏng đảnh”, để anh phải chờ đợi mỏi mòn. Vì đâu anh kiên tâm theo đuổi và sẵn sàng bỏ việc ở các công ty lớn để dồn sức cho công trình của mình?

Doanh nhân Phan Minh Tiến: Vì tôi tin sẽ thành công trong việc khai thác nguồn tài nguyên cây dừa nước. Tôi cũng tin rằng niềm tin của mình không là ảo. Đọc sách, tiếp cận những tài liệu khoa học từ các nước bạn (Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…), tôi được biết dừa nước có thể tiết ra mật với thành phần có chứa a xít amin thiết yếu, vitamin, khoáng chất, các hợp chất chống ô xy hóa tự nhiên, chất điện giải… 

Mô hình Bến Dừa Nước thu hút khách hàng
Mô hình Bến Dừa Nước thu hút khách hàng

Đặc biệt, mật - đường dừa nước - có chỉ số đường huyết thấp (theo kết quả đánh giá của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM). Vì thế, tôi tin lối đi của mình phù hợp với xu thế lựa chọn đường hữu cơ; với những người mắc các vấn đề béo phì, tiểu đường, có nhu cầu sử dụng các loại đường ăn kiêng.

Ngay cả khi chờ hoài mà cuống dừa đã chặt ngang không rỉ giọt mật nào, ngày qua ngày chỉ se lại, khô queo, tôi vẫn không từ bỏ ý định, vẫn ngày đêm chăm sóc hàng dừa, săm soi, thử nghiệm, cố tìm hiểu “tính ý” của cây, khám phá cơ chế của nó. Đồng thời, tôi vẫn trả lương cho 2 bạn nông dân giúp đỡ tôi chăm sóc dừa nước, làm thực nghiệm. Tôi tự hỏi, cây thốt nốt cũng cùng họ với cây dừa nước, sao lại tiết ra mật, còn dừa nước thì không. Rồi tôi tự trả lời rằng chắc do vướng gì đó, cứ cố thêm nữa sẽ tìm ra. Hơn 1 năm ròng nghiên cứu, cây dừa nước đã chịu “bắt tay” với tôi qua dòng mật vàng rộm. Tôi mừng phát khóc…

* Cụ thể, bí kíp nào để anh bật được “công tắc” khơi dòng mật ngọt?

- Đầu tiên, phải chọn buồng dừa có cơm vừa ăn, không già không non. Khi chặt buồng dừa đi, cuống vẫn tiếp tục lưu dẫn mật về phía buồng dừa như dòng sữa mẹ nuôi con. Ta dùng bọc ni lông hứng lấy dòng mật đó ở đầu cuống. Qua sàng lọc, rút kinh nghiệm, chúng tôi nhận thấy phải có kỹ thuật kích thích cuống dừa bằng cách dùng cây gõ gõ dọc thân cuống (gọi vui là massage cuống dừa) thì mật mới tiết ra nhiều và bền (liên tục trong khoảng 1 tháng). Cây từ 9-12 tuổi cho năng suất mật cao nhất, lên đến 1 lít/ngày. Do cây dừa sống ở rừng ngập mặn nên mật có vị mằn mặn đặc trưng quyện vị ngọt thanh, rất ngon miệng và tốt cho sức khỏe.

Mật dừa nước có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn
Mật dừa nước có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn

Thành lập công ty vào năm 2019, tôi lấy tên sản phẩm lúc bấy giờ là “Dừa nước ông Sáu”. Đó vừa là thứ tự của ba tôi trong gia đình, vừa như ngầm cam kết 6 tiêu chí: sản phẩm chất lượng, khách hàng hài lòng, đối tác tin cậy, nhân viên nhiệt tâm, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội.

Tôi không thuê vùng nguyên liệu mà liên kết với người nông dân, trả lương cứng và phần trăm sản lượng họ thu hoạch được để họ gắn bó hơn. Với thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng, người nông dân sẵn sàng cộng tác, cùng chăm sóc cây dừa nước và khai thác, bám lấy đất rừng quê hương, không đi làm ở xa nữa. Hiện VIETNIPA đã mở rộng vùng nguyên liệu bản địa trên 10ha, thu được vài ngàn lít mật tinh chất mỗi ngày.

Câu chuyện của những con người cần cù và dám ước mơ 

* Doanh nghiệp chỉ mới hơn 4 tuổi mà đã 3 năm chịu tác động từ dịch COVID-19, câu “vạn sự khởi đầu nan” có khiến anh nản? 

- Tôi chưa từng nản. Ở một lĩnh vực mới tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi không thích gọi là khó, tôi gọi là thử thách. Thử thách cho mình cơ hội để chinh phục, tạo động lực và sự hứng khởi để học hỏi, đào sâu, tìm giải pháp. Như đợt hạn chế lưu thông bởi dịch bệnh, sản lượng phân phối giảm, chúng tôi dồn sức vào việc nghiên cứu sản phẩm mới và tinh luyện ra đường hữu cơ từ mật dừa nước (10 lít mật cho 1kg đường). Đồng thời, doanh nghiệp xây dựng hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm đạt chuẩn quốc tế. Đó cũng là thời cơ để chúng tôi tối ưu hóa mạng lưới phân phối, đẩy mạnh kinh doanh online. Bên cạnh đó, VIETNIPA còn phát triển chuỗi thương hiệu “Bến Dừa Nước” ứng dụng food app trực tiếp phục vụ khách hàng như ở địa chỉ 60 Nguyễn Du, quận 1, TPHCM...

Để đưa một sản phẩm mới ra thị trường, cần phải có sự đồng bộ về mặt chất lượng sản phẩm, chiến lược bán hàng, định vị sản phẩm… Tôi may mắn có đội nhóm đồng hành, tiếp sức là gia đình, là các bạn trưởng phó phòng năng động, nhiệt huyết, là trên 40 công nhân, là 10 hộ nông dân liên kết... Đó là câu chuyện của những con người cần cù và dám ước mơ, có chung một tầm nhìn, sứ mệnh chứ không phải chuyện của cá nhân “ông Tiến”. 

Anh Phan Minh Tiến (giữa) cùng các cộng sự từ những ngày đầu nghiên cứu khai thác mật dừa nước
Anh Phan Minh Tiến (giữa) cùng các cộng sự từ những ngày đầu nghiên cứu khai thác mật dừa nước

Từng giọt mật nhỏ xuống, được người nông dân thu hoạch lúc 3 - 4g sáng tươi ngon nhất, đưa về nhà máy chế biến, đóng gói, đến tay người tiêu dùng... là một quá trình đầy tâm huyết của cả tập thể. Chúng tôi cùng hồi hộp, xúc động khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình cùng dòng chữ “đặc sản Cần Giờ” đến với khách hàng Nhật, Hàn Quốc…, bắt đầu hành trình vươn ra thế giới như kỳ vọng của chúng tôi rằng cây dừa nước được đánh giá xứng tầm - là “cây cao su thứ hai”.

* Anh có thể chia sẻ những dự định ấp ủ về “cây cao su thứ hai” của lòng anh?

- Giá trị dinh dưỡng của cây dừa nước rất cao. Tôi tin rằng tất cả bộ phận của loài cây này đều có thể khai thác sử dụng, nếu đúng hướng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơm dừa nước nếu chế biến thành mứt hay cơm dừa rim caramel, cơm dừa rim mật dừa sẽ lạ miệng và bảo quản được lâu hơn. Với vỏ dừa nước thì sao không ứng dụng công nghệ để sản xuất phân bón, than, sợi…? Sao không sáng tạo lá dừa nước thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ?

Thay vì cho rằng dừa nước là cây mọc dại, giá trị thấp, chặt bỏ đi… thì người ta sẽ trồng nhiều hơn, bảo vệ đất, hệ sinh thái, bầu khí quyển, phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Vì những lợi ích vô giá đó, tôi mong nhanh chóng phát triển đầu ra của sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu ra các vùng đất khác của Nam Bộ, bất cứ nơi đâu có dừa nước sinh trưởng.

Nhìn từng trái dừa nước trôi trên sông như vô tình, cắm đâu mọc đó, mọc đâu xanh tốt đó, âm thầm giữ đất giữ bờ, tôi thấy bồi hồi và gửi gắm bao kỳ vọng. Ngày xưa, trong chiến tranh, tán dừa nước là nơi che chắn, ẩn náu của bộ đội đặc công rừng Sác, là nguyên liệu lợp mái nhà cho bao thế hệ tránh mưa tránh nắng. Ngày nay, cây dừa nước sẽ giúp người dân Cần Giờ cải thiện đời sống, góp thêm áo quần, thêm chén cơm, thêm cơ hội học hành cho các em nhỏ…

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

Ảnh do nhân vật cung cấp

Xem thêm: lmth.0203151a-ax-nouv-coun-aud-tam/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Mật dừa nước vươn xa ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools