Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup. Ước tính khoảng 20.000 lượt phụ huynh, học sinh tham dự ngày hội.
Vui vì được tư vấn cho học sinh, phụ huynh
Theo ghi nhận, 250 gian tư vấn của hơn 120 trường đại học, cao đẳng và đơn vị giáo dục luôn tấp nập học sinh. Những trường "hot" như Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trường đại học Ngoại thương... đông đúc phụ huynh, học sinh từ đầu đến cuối, các thầy cô giáo gần như không ngưng nghỉ.
ThS Trần Duy Can, nguyên chuyên viên phòng đào tạo Đại học Kinh tế TP.HCM, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn đến ngày hội hỗ trợ các đồng nghiệp cũ giải đáp thông tin cho học sinh và phụ huynh. Chỗ ông Can ngồi lúc nào cũng có 5 - 6 học sinh, phụ huynh vây quanh. Sau hai tiếng tư vấn liên tục, ông mới có chút ít thời gian uống ngụm nước. "Được tư vấn cho học sinh, phụ huynh là tôi thấy vui", ông Can nói.
Theo ông Can, ông luôn muốn làm rõ với học sinh và phụ huynh đến ngày hội về các phương thức, hình thức xét tuyển. Những năm gần đây, các trường đại học có nhiều phương thức, nếu không hiểu rõ các em rất dễ mất cơ hội oan uổng. Ngoài ra, các em cần nắm các mốc thời gian xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và riêng của trường, các kênh nộp hồ sơ để tránh lỡ thời gian hay thiếu sót thông tin.
Cũng tư vấn "đứt hơi", ThS Hứa Thị Bạch Yến, phó trưởng khoa quản trị kinh doanh Trường đại học Văn Lang, chia sẻ dù mệt nhưng rất hào hứng. Bà nhận thấy học sinh thường thắc mắc phương thức xét tuyển, cơ hội nghề nghiệp, chương trình học, học phí...
Đặc biệt bà Yến bất ngờ khi gặp lại một cô học sinh tên Thùy Linh, học lớp 12 Trường THPT Diên Hồng (TP.HCM). Trước đây, bà biết Linh tại một buổi tư vấn khác, khi đó Linh hỏi han những thông tin chung về ngành quản trị kinh doanh.
Lần này, Linh chủ động tìm bà Yến tại gian tư vấn, rồi đưa ra thêm nhiều câu hỏi sâu sắc, cho thấy em đã suy nghĩ nhiều về ngành học. "Hiện nay, thông tin có nhiều trên Internet, nhưng đến ngày hội vẫn có lợi thế là được gặp trực tiếp thầy cô giáo từ rất nhiều trường đại học. Các sinh viên của trường cũng sẽ cho thêm những "review" gần gũi và thực tế", bà Yến nói.
Ông Võ Quốc Bảo, giảng viên khoa quản trị kinh doanh Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM, nói năm nay, mỗi khoa của trường sẽ cử hai giảng viên đến tư vấn. Một số thầy cô giáo sẽ đứng "vòng ngoài", vừa giao lưu với thí sinh, vừa cung cấp những thông tin chung.
Không ít bạn vẫn còn mông lung chưa biết bắt đầu từ đâu, thầy cô giáo phải lần mò từ những sở thích, sở trường của các em, từ đó cho lời khuyên nên đi theo ngành nào. Khi đó, các em sẽ được hướng dẫn đến khu vực các thầy cô giáo ở "vòng trong" để tư vấn sâu hơn về ngành học và các điều kiện học tập.
Ông Bảo tâm sự cách đây hai năm, ngày đầu tiên vào trường lại rơi vào đúng hôm Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ nên ông đã ra phụ đồng nghiệp. Năm nay tiếp tục gắn bó với ngày hội, ông nhận thấy số lượng học sinh đến đông hơn, quy mô các gian tư vấn lớn hơn, các hoạt động đa dạng hơn. Truyền thông cho ngày hội cũng được đẩy mạnh, tiếp cận nhiều học sinh ở xa.
Toại nguyện với câu trả lời
Bạn Hoàng Bin, Trường TH-THCS-THPT Tân Phú (TP.HCM), hồ hởi khoe mình được tư vấn tại gian của Trường đại học Văn Lang đến tận 30 phút. Bin xác định ngành sẽ theo đuổi là kinh doanh quốc tế, nên đã hỏi kỹ về các phương thức xét tuyển, phương pháp học tập, học phí, học bổng...
Hỏi xong ngành này, Bin sẵn tiện hỏi thêm tất cả các ngành khác, mỗi ngành hỏi một ít để tham khảo thêm. "Mọi câu hỏi của mình đều được tận tình giải đáp", Bin nói.
Bạn Chí Công, học sinh lớp 12 Trường THPT Trường Chinh (TP.HCM), tự "đánh lẻ" đến ngày hội. Chí Công tâm sự thời gian qua có một số cơ sở giáo dục trực tiếp đến trường bạn đang học để tư vấn nhưng Công không "đã", bởi Công nhận thấy một phần do các trường chủ yếu quảng cáo. Đến ngày hội là dịp để Công gặp gỡ nhiều trường và nhiều thầy cô giáo, sinh viên hơn, giúp góc nhìn của bạn được đa chiều.
"Mình đang có mong muốn vào ngành công nghệ thông tin của Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhưng ngành này mọi năm lấy điểm cao, mình muốn được các thầy cô giáo phân tích thêm", Công nói.
Còn bạn Bùi Văn Lộc, học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), đến ngày hội với mong muốn tìm hiểu thêm về ngành công nghệ kỹ thuật ô tô nhưng chưa chọn được trường.
Lộc dạo quanh mấy vòng những trường có đào tạo ngành này và so sánh các phương thức xét tuyển, chương trình học và học phí. Tới gian tư vấn nào, Lộc đều hỏi kỹ lưỡng. Hết ngày hội, Lộc tâm sự đã tạm chốt được hai lựa chọn tiềm năng là Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM.
Trong khi đó Nguyễn Trần Trung Nghĩa, học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (An Giang), rất thích các ngành liên quan máy tính và trong quá trình tìm hiểu tại nhà đã nhắm đến ngành công nghệ thông tin tại Học viện Bưu chính viễn thông vì khá vừa sức.
Tuy nhiên khi đến gặp trực tiếp trường để hỏi kỹ hơn, Nghĩa thấy điểm học bạ của mình có vẻ khó có cửa. Vì vậy, bạn được khuyên nên dồn sức hơn cho hai phương thức thi đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp THPT.
"Mình rất thỏa mãn. Các thầy cô giáo đều giải thích rất tận tình. Mình còn nhận thêm nhiều phần quà từ trường", Nghĩa nói.
Không xinh đẹp có thể học ngành du lịch được không?
* Em thấy những người làm việc ở ngành du lịch, khách sạn đều là những cô gái xinh đẹp. Vậy không xinh đẹp có thể theo học ngành quản trị khách sạn được không? - Một học sinh Trường THPT Gò Công Đông (Tiền Giang)
- ThS Trần Văn Thắng, phó phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Quốc tế Sài Gòn: "Tất cả học sinh có ngoại hình bình thường đều có thể theo học ngành quản trị khách sạn. Các em không nên quá lo lắng, áp lực về ngoại hình. Vì các trường đào tạo về du lịch, khách sạn sẽ có những khóa học và những yêu cầu để sinh viên có ngoại hình sáng hơn mỗi ngày.
Ví dụ tại Trường đại học Quốc tế Sài Gòn, khi theo học ngành quản trị khách sạn, sinh viên không chỉ được đào tạo về kiến thức, nghiệp vụ mà còn đào tạo cả về cách ăn mặc, đi đứng, trang điểm..., khi tốt nghiệp sẽ đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, ngoại hình để có thể làm việc tốt".
Trường nước ngoài: Bất ngờ với số học sinh đến ngày hội
Ông Vũ Quang Hải Minh, đại diện tư vấn cho Trường Alice International College (Nhật), cho biết đây là lần đầu tiên đơn vị tham gia một ngày hội tư vấn có quy mô lớn. Số lượng học sinh đến đông ngoài dự đoán của ông, và càng bất ngờ khi từ 6h30 là đã tấp nập.
Còn tiến sĩ Trần Hiền Hòa, trưởng phòng giáo dục Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, đích thân đến gặp gỡ từng gian tư vấn của các trường đại học từ Đài Loan sang TP.HCM lần này. Ông cho biết các trường đều phản hồi tích cực về ngày hội khi ngày càng có nhiều học sinh quan tâm đến các gian tư vấn của Đài Loan.
"Hầu hết các trường đại học Đài Loan đều xem Việt Nam là thị trường quan trọng. Việt Nam hiện là nước đóng góp số sinh viên quốc tế đến Đài Loan nhiều nhất", ông Hòa nói.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sáng 3-3, học sinh được thầy cô nước ngoài tư vấn và có nhiều trải nghiệm thú vị do các trường chuẩn bị.