Nhận thông báo đóng tiền điện trong tay, chị Hương (Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ khi số tiền phải trả lên tới hàng triệu đồng. Thông thường chi phí điện sinh hoạt nhà chị mỗi tháng dao động 500.000 - 700.000 đồng/tháng, nên chị Hương khá bất ngờ với hóa đơn mới phải chi trả.
Nhiều người bất ngờ
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ điện của gia đình chị Hương được Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) thống kê là 451kWh, nhiều hơn gần gấp đôi so với tháng trước là hơn 292kWh.
Chị Hương thắc mắc tháng 2 vừa rồi rơi vào kỳ nghỉ Tết, có thời điểm gia đình chị về quê tới gần chục ngày, lẽ ra tiền điện phải giảm, nên việc phải thanh toán tiền điện với hóa đơn vừa mới nhận khiến chị khá băn khoăn.
Cùng chung mối quan tâm, anh Minh (khu đô thị Linh Đàm - Hoàng Liệt - Hoàng Mai) cũng cho hay lượng điện tiêu thụ trong kỳ tháng 2-2024 của gia đình anh tăng gấp 1,5 lần, từ mức 208kWh ở kỳ trước đã tăng lên mức 341kWh trong kỳ này. Do vậy, hóa đơn tiền điện của gia đình anh phải trả cũng lên gần gấp rưỡi.
Mấy ngày nay trên khắp các diễn đàn, nhiều người chia sẻ bất ngờ về việc nhận hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng hơn rất nhiều so với trước.
Thậm chí, có người còn bày tỏ là bị sốc khi hóa đơn tăng chóng mặt, gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước, nên đặt nghi vấn liệu việc tính toán tiền điện có bị sai lệch.
Anh Long (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay đã đọc kỹ các thông tin trên hóa đơn thì được biết kỳ hóa đơn tháng 2-2024 được tính nhiều hơn so với tháng trước. Liên hệ trực tiếp với đơn vị chăm sóc khách hàng của EVNHANOI, anh được trả lời là do từ tháng 2 năm nay EVNHANOI thay đổi ngày ghi chỉ số hóa đơn.
Vì vậy, số ngày sử dụng thực tế để tính hóa đơn tiền điện tăng lên (gồm các ngày của tháng 1 và tháng 2), khiến tiền điện phải chi trả trong tháng 2 tăng do gộp hai tháng sử dụng tiền điện để trả trong một tháng.
Gộp hai tháng có làm tăng biểu lũy tiến?
Tuy nhiên anh cảm thấy không thuyết phục khi cho rằng công thức tính tiền điện sinh hoạt hiện nay đang áp dụng theo bậc thang lũy tiến, nên việc gộp hai tháng có thể làm tiền điện tăng "chóng mặt".
"Tôi băn khoăn không biết ngành điện tính toán thế nào khi gộp hai tháng tính tiền điện. Vì nguyên tắc của bậc lũy tiến là lượng điện sử dụng càng nhiều thì bậc lũy tiến càng cao, khiến số tiền chi trả thực tế sẽ tăng lên" - anh Long bày tỏ.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, đại diện EVNHANOI cho hay từ tháng 2 tổng công ty áp dụng việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ, chuyển về cuối tháng nên việc thanh toán tiền điện có sự thay đổi theo.
Kỳ ghi chỉ số lần này được tính trên số ngày thực tế sử dụng điện, thường kéo dài 48-50 ngày so với trước là 29-30 ngày, nên số tiền điện mà khách hàng phải chi trả cũng tăng theo số ngày thực tế sử dụng.
Trước băn khoăn của khách hàng về việc gộp ngày ghi chỉ số trong tháng 1 và tháng 2 có thể làm cho tiền điện tăng theo bậc thang lũy tiến không, đại diện EVNHANOI khẳng định "quyền lợi của khách hàng không bị ảnh hưởng".
Bởi lẽ việc gộp hai tháng tính tiền điện không đồng nghĩa với việc "gộp" bậc thang để làm tăng tiền điện. Thay vào đó, các khách hàng sử dụng điện theo bậc thang nào sẽ được hưởng đúng định mức theo số ngày dùng điện thực tế.
Ví dụ, quy định bậc thang hiện nay cho bậc 1 là 50kWh sử dụng cho 30 ngày. Trường hợp ngày ghi chỉ số công tơ kéo dài ra 57 ngày, thì bậc 1 sử dụng là 92kWh (gồm 50kWh của tháng 1 và 42kWh của tháng 2). Tương tự với các bậc còn lại, định mức 50kWh và 100kWh tiếp theo, việc tính toán điện năng tiêu thụ sẽ căn cứ trên số ngày sử dụng điện thực tế.
Theo đó, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng có thể kiểm tra sản lượng điện, sử dụng công cụ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến để tra cứu và tính hóa đơn tiền điện hằng tháng.
Lượng điện năng ghi nhận để tính hóa đơn tiền điện trong tháng dịch chuyển sẽ nhiều hơn so với hóa đơn tiền điện của những tháng trước, song các tháng tiếp theo sẽ trở lại bình thường.
TTO - Cùng với quy trình ghi chỉ số, lập hóa đơn đã được ban hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ bổ sung thêm 2 bước trong quy trình và thiết lập cảnh báo tự động nhằm hạn chế tối đa sai sót với hóa đơn tiền điện.