Theo thống kê, đến nay mỗi tỉnh có hàng ngàn héc-ta rừng phòng hộ biến mất và con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
NHIỀU GIA ĐÌNH MẤT NHÀ VÌ “CHẠY LỞ”
Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụp lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254 km. Theo số liệu thống kê ngành Lâm nghiệp, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh Cà Mau). Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên nên đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy.
Nhắc đến vụ sạt lở cách nay hơn 1 năm, chị Huỳnh Thị Tuyết Nga (ngụ ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vẫn còn cảm thấy sợ. Chị kể lại, khoảng 1 giờ sáng, lúc này chị đang ngủ bỗng nhà rung lắc, kèm theo là tiếng cây gỗ gãy đã khiến bản thân tỉnh giấc. Chị Nga xuống xem thấy nhà sau đang nứt gãy và bị kéo dần xuống nước. Lúc này chị vội chạy ra khỏi nhà và thấy toàn bộ đồ đạc dần bị nhấn chìm: “Sự cố xảy ra nhanh quá nên không đem kịp theo thứ gì. Các chị nhà bên cũng kêu chạy nhanh ra khỏi nhà để giữ an toàn tính mạng, đừng tiếc của”, chị Nga nhớ lại.
Gia đình bà Phan Thị Kiều đã sống ở cửa biển Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh) 10 năm nay. Khi mới về, rừng phòng hộ bên ngoài nhà bà còn vài trăm mét. Nhưng sau đó biển cứ lở không bồi, không chỉ mất hết rừng mà nhiều hộ dân sống bên ngoài nhà bà cũng phải dời đi hết. Hiện căn nhà của gia đình bà Kiều chỉ còn cách biển vài bước chân.
“Năm trước, cơ quan chức năng đã triển khai kè đá kphía bên ngoài nhà, bước đầu ngăn được tình trạng sạt lở. Sóng gió cứ làm lở miết vô tới sát nhà tôi. Bình thường thì không sao nhưng khi biển động, sóng to gió lớn thì gia đình tôi phải kiếm đường chạy. Mới năm trước khi chưa có bờ kè tôi sống khổ, mất ăn mất ngủ”, bà Kiều chia sẻ.
Tại Khu dân cư Bõ Hữu ở cửa biển Bồ Ðề (xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn) đang có hơn 70 hộ dân sinh sống. Gia đình ông Lê Minh Luân từng sở hữu căn nhà cấp 4 đẹp nhất khu dân cư này. Cũng vì sạt lở, cách đây vài năm, ông phải bỏ ngôi nhà mà mình tiết kiệm nhiều năm mới cất được, để chuyển vào trong, dùng cây gỗ dựng nhà ở tạm. “Dân ở đây nghèo vì sạt lở. Tiền làm được bao nhiêu đều mất hết theo những lần dời nhà. Không chỉ tôi, đa số bà con ở đây đã phải dời nhà ít nhất 1 lần”, ông Luân buồn bã nói.
Toàn tỉnh Bến Tre có 65km bờ biển, là một trong những địa phương ở miền Tây bị thiệt hại nặng do sạt lở với khoảng 200ha đất, 54ha rừng phòng hộ tại huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại. Vài năm trở lại đây, biển xâm thực vào sâu đất liền gần 200m khiến rừng phòng hộ, đất canh tác và nhà dân tại cồn Ngoài (thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ghi nhận, dọc bờ biển này có khoảng 9ha rừng phi lao chết khô, nhiều thân cây to bằng một người ôm cũng bật gốc nằm la liệt. Mất rừng phòng hộ, sạt lở càng lấn sâu hơn vào khu vực dân cư.
Bà Bùi Thị Mến cho biết: Trước đây, bà có một ha đất, sạt lở bờ biển ngày càng dữ dội khiến gia đình mất 2 căn nhà cùng toàn bộ đất. Sau 3 lần chạy lở chỉ còn nền nhà, gia đình bà lâm vào cảnh khánh kiệt, phải bỏ nhà tha hương đến miền Đông buôn bán. Giờ trở về cất nhà tạm để ở và lần này nếu lở nữa chỉ biết đi ở nhờ.
Có một ha đất hoa màu, gia đình ông Nguyễn Văn Nghiêng (51 tuổi) là một trong hơn 20 hộ dân tại cồn Ngoài còn cố bám trụ dọc bờ biển. Đa số người dân đã dời nhà sâu vào trong đất liền chạy lở. Từ đầu tháng 7 âm lịch, ông Nguyễn Văn Nghiêng (51 tuổi, ngụ xã Bảo Thuận) tranh thủ nhặt nhạnh những thân cây dương chết khô ven bờ biển về làm hàng rào chắn sóng trước nhà. Hàng rào bằng cây dương dựng xong, ông Nghiêng tiếp tục thuê 2 xe múc gom cát biển vào chân để gia cố hàng rào. “Mỗi xe múc chi phí 600.000 đồng một giờ. Đầu năm đến nay, tôi tốn khoảng 70 triệu đồng”, ông Nghiêng nói.
ĐE DOẠ ĐÊ BIỂN, RỪNG PHÒNG HỘ
Ở cửa biển Bồ Ðề (xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn) căn nhà của gia đình ông Diệp Thanh Hùng đang gần sóng biển nhất, với khoảng cách chừng 10 bước chân. Từ đầu mùa mưa đến nay, triều cường dâng cao, những cơn sóng dữ đã mấy lần “nhăm nhe” tới căn nhà nên vợ chồng ông rất lo lắng. Sau gần 30 năm định cư ổn định tại cửa biển này thì năm nay mọi thứ buộc ông phải chuẩn bị di dời nhà đến nơi khác.
“Trước đây, biển cứ lở lại bồi, tán rừng còn hơn 100m bên ngoài che chắn cho khu dân cư. Khoảng 10 năm nay, không biết ông trời “trở tính” thế nào mà lở miết. Lở hết rừng bên ngoài, mất luôn đồn biên phòng, biết bao hộ dân phải bỏ đi. Mấy hôm nay, tôi cũng muốn dời nhà đến nơi an toàn nhưng vì không có chỗ nên vợ chồng tôi định mang đồ dùng sinh hoạt vào gửi nhà người thân trước rồi tính tiếp”, ông Hùng nói.
Vấn đề sạt lở bờ biển ở Cà Mau không chỉ nan giải ở bờ Ðông mà phía biển Tây cũng rất cấp bách. Tình trạng ngày càng nghiêm trọng đặt ra cho cơ quan chức năng tỉnh bài toán phải di dời hàng ngàn hộ dân. Bà Trịnh Kim The, sống tại chân đê phòng hộ ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Cứ đến mùa mưa bão, người dân nơi đây lại sống trong thấp thỏm. Vào tháng 8 năm ngoái, triều cường kỷ lục làm nước biển tràn qua đê, tàn phá nhà cửa hàng chục hộ dân tại cửa biển Ðá Bạc. Mới đây, triều cường lại dâng cao, tuy không đến mức nguy hiểm như năm trước nhưng nhiều đoạn chân đê lại bị đánh sạt lở nham nhở. Ðặc biệt, gia đình tôi sống gần điểm đê biển bị sụt lún dài hàng trăm mét chưa khắc phục xong nên rất lo lắng”.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải (Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau), thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; cùng với sự cố gắng nỗ lực của địa phương, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 55,7km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 1.720 tỷ đồng. Trong đó bờ biển Tây 43,8km, kinh phí thực hiện khoảng 1.103 tỷ đồng; bờ biển Đông 11,9km, kinh phí thực hiện khoảng 617 tỷ đồng), 9,2 km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí thực hiện khoảng 391 tỷ đồng.
Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ; công trình kè các đoạn bờ sông, cửa biển đã khắc phục được tình trạng sạt lở, đồng thời sắp xếp, chỉnh trang lại mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông phù hợp với biến đổi khí hậu. Hiện nay, tỉnh Cà Mau và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 42,2km kè biển, với kinh phí 1.785 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Hẳn (Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh) đã ký ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ biển khu vực Cồn Nhàn tại ấp Đông Thành và ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Từ năm 2015 đến nay có hơn 3km đất ven biển bị nước biển xâm thực làm mất khoảng 220ha đất (gồm: đất sản xuất, đất rừng phi lao phòng hộ). Trong những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 vào những đợt triều cao, kết hợp với sóng lớn làm cho nước biển dâng cao vào đất liền, gây sạt lở bờ biển và làm ngập 11 nhà ở của người dân, thiệt hại 6,25ha rau màu đang đến kỳ thu hoạch, ước tổng giá trị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Mặc dù, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại do triều cường, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân khu vực. Tuy nhiên, hiện tại bờ biển đang tiếp tục bị triều cường, nước biển xâm thực mạnh, gây xói lở sâu vào đất liền. Đặc biệt vị trí sạt lở cách chân đê Hải Thành Hòa khoảng 300m, nguy cơ mất an toàn rất cao và làm ảnh hưởng đến 166 hộ dân với 498 nhân khẩu, trong đó có 56 hộ với 203 nhân khẩu cần phải tổ chức di dời khẩn cấp.
Tại tỉnh Bạc Liêu, các đoạn bờ biển đã và đang bị xói lở quanh năm dài khoảng 15km. Ông Trần Sơn Dũng (ngụ ấp Biển Đông, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu) có nhà ở gần nơi sạt lở đê biển Đông, cho biết: “Mỗi lần sóng to gió lớn làm nước tràn qua đê là cả nhà thấp thỏm lo âu. Nếu sạt lở như thế này mà không có biện pháp khắc phục thì một thời gian nữa sẽ mất toàn bộ khu đất nhà tôi”.
HỆ LUỴ TỪ NHỮNG MỎ CÁT TRÁI PHÉP
An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh có trữ lượng cát lớn nhất ĐBSCL. Thời gia qua, việc cấp phép để các doanh nghiệp khai thác cát phục vụ các công trình trọng điểm, nhưng một số nơi đã thực hiện không đúng quy định. Trước đó, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận thanh tra và đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác cấp phép khai thác cát. Giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến 31/12/2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản. Từ sau ngày 01/7/2011, UBND tỉnh An Giang thực hiện gia hạn đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước đó là không đúng quy định. Sau khi bị “tuýt còi”, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều quyết định để thu hồi các giấy phép cấp cho doanh nghiệp sai quy định.
Mới đây, phóng viên trở lại những “mỏ vàng” trên sông Hậu thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới cấp Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang từng gây xáo trộn cuộc sống người dân 2 bên bờ. Theo ghi nhận từ bến đò về phía hạ nguồn bờ sông bị sạt lở nham nhở, trong đó có đất trồng cây ăn trái. Đến khu vực khai thác thì các phương tiện đã di dời, chỉ còn các sà lan được cơ sở đóng tàu chờ hạ thuỷ. “Khu vực này múc cát gây sạt lở chỉ còn lại bè cá và lò gạch”, một người đàn ông tầm 50 tuổi cho hay.
Đang giám sát những công nhân đưa cừ tràm từ dưới ghe lên bờ, anh Đặng Thanh Sơn (ngụ ấp Bình Hoà, xã Bình Thuỷ) cho biết: “Mỏ cát của Công ty Tân Lê Quang được cấp phép và gia hạn hơn chục năm nay. Lúc trước đây cát lấy nửa sông qua phía bờ Đồng Tháp, nhưng sau đó lấn sang phần sông bên đây. Việc sạt lở này người dân có phản ứng, có dừng được một thời gian nhưng sau đó hoạt động trở lại. Xáng cạp cứ múc cát liên tục và di dời hết địa điểm này tới địa điểm khác. Mới đây nghe rút giấy phép ai cũng vui mừng”.
Theo anh Sơn, xáng cạp hoạt động rầm rộ nên năm nào anh cũng phải bỏ chi phí để gia cố bờ bao nuôi cá. “Trước đây khu vực đất của chúng tôi có con lộ, cách sông khá xa nhưng sạt lở riết lở mất. Riêng gia đình có 100 công đất đến nay sạt lở chỉ còn khoảng 70 công. Đối với các năm trước là cắm cọc rồi cho cát vào bao để gia cố bờ, tốn vài chục triệu đồng mỗi năm. Nhưng hiện tại sạt lở diễn biến phức tạp nên mới đặt mua 1.000 cây tràm (35 triệu đồng) về đóng, rồi sau đó mua thêm cát vật liệu khác để quăng xuống hy vọng bảo vệ được các ao cá và vườn mít đang cho trái”, anh Sơn nói và chỉ tay về phía hạ nguồn kể lại: “Sạt lở khiến nhà Bác Ba, chú Tư Long… bị chìm xuống sông phải di dời vô khu dân cư. Tính hết khu vực mé sông này có hơn 100 hộ dân di dời nhà vì sạt lở. Dù gây sạt lở nhưng họ cũng không hề hỗ trợ cho người dân có tài sản bị thiệt hại. Riêng nhà tôi cất để vừa ở giữ cá, chứa thức ăn nhưng phải di dời 2 lần vì sạt lở”. Theo ghi nhận hiện nhà kho của anh Sơn đã xuất hiện nhiều vết nứt, có nguy cơ bị sạt lở.
Bên kia sông là xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới và đối diện mỏ cát là con kênh Đồng Tân, vừa được cắm biển khu sạt lở nguy hiểm. Theo ghi nhận một bên tuyến đường liên xã bị sạt lở dù đang trong quá trình thi công. Đang ngồi sửa đồng hồ, ông Trần Văn Phụng (ngụ ấp Mỹ Tân) cho biết: “Việc sống gần mỏ cát gia hạn nên người dân luôn trong tâm trạng bất an, vì không biết sạt lở có thể xảy ra lúc nào. Kênh Đồng Tân mới làm kè xong bên kia thì bên này lại tiếp tục sạt lở”.
Sau những lùm xùm khai thác cát trái phép ở An Giang, người dân xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, nơi Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 hút hàng triệu m3 cát đã bình yên trở lại. Ngồi đưa võng trước cửa nhà, ông N.V.L (80 tuổi) thấy khỏe hơn vì không còn tiếng máy xáng cạp múc cát đinh tai nhức óc. “Vui lắm, ngưng khai thác cát, bớt tiếng ồn của máy móc và không còn nơm nớp lo sợ bị sạt lở đất bờ sông”, ông L. nói.
Tương tự như An Giang, Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn khai thác 12 giấy phép hết hạn sau ngày 01/7/2011 cũng như cấp mới 7 giấy phép khai thác cát chưa đúng quy định. Ông Bảy Dũng (ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) cho biết: “Việc khai thác gần cồn Long Phú Thuận diễn ra gần 20 năm nay. Sà lan chở cát lúc nào cũng dập dìu trên sông. Hồi đó khu vực này có cái cồn cát nổi giữa sông nhưng sạt lở riết bị xoá sổ. Ngày xưa ở cồn này sạt lở đứt luôn UBND xã”. Tiếp lời ông Dũng, anh Tuấn cho biết mỏ cát gia hạn đã khiến căn nhà của anh bị sạt lở một nửa và phải di dời khẩn cấp.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải (Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau), diện tích đất rừng phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau đến năm 2020 là 31.907ha, tình trạng sạt lở làm mất đất, rừng phòng hộ mỗi năm bình quân khoảng 400ha. Như vậy đến năm 2025 diện tích rừng phòng hộ tỉnh Cà Mau dự kiến còn lại khoảng 29.900ha và đến năm 2030 còn lại khoảng 27.900ha. Với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ. Đây là diện tích đất, cây rừng đã được hình thành qua hàng trăm năm. Nếu để sạt lở tiếp tục tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất thêm đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong, buộc phải thực hiện bảo vệ theo tình huống khẩn cấp. Khi đó việc xây dựng công trình bảo vệ sẽ rất tốn kém, rất khó khôi phục lại diện tích đất và cây rừng đã mất. Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng – Viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi Miền Nam: Sạt lở ở ĐBSCL không còn theo quy luật và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Tính đến năm 2022, ĐBSCL có 665 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 656km. Theo tôi, nguyên nhân chính gây sạt lở là do khai thác cát quá mức. Dòng sông như một cơ thể sống, liền mạch từ thượng nguồn ra biển, nếu trữ cát ở thượng nguồn thì hạ nguồn bắt đầu sạt lở. Giai đoạn gần đây cho thấy hiện tượng đáy sông bị hạ thấp rất là mạnh. |
(Còn tiếp...)