Để sớm gia nhập hội những người nghỉ hưu sớm, nhiều bạn đã có kế hoạch tiết kiệm, đầu tư ngay từ khi còn đi học. Họ không ngại làm việc 200% năng suất, "cày cuốc" 24/24 để đổi lấy giấc mơ nghỉ hưu ở tuổi 40, 50, thậm chí là sớm hơn.
Những kế hoạch nghỉ hưu sớm "màu hồng"
Khi tìm kiếm từ khóa "nghỉ hưu sớm" trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, các nền tảng này sẽ trả về cho người dùng vô số bài đăng, video chia sẻ kinh nghiệm. Hay làm một khảo sát nhỏ với 10 bạn trẻ trong độ tuổi từ 19 đến 25, có đến 7 bạn đồng ý với trào lưu nghỉ hưu sớm.
Học hỏi từ YouTube, Nguyễn Trần Anh Thư (22 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) đã mở số tiết kiệm, lên kế hoạch nghỉ hưu sớm từ năm nhất đại học. Khi nói về dự định của mình, Thư cho hay cô muốn nghỉ hưu ở tuổi 45, sau đó dành trọn vẹn thời gian cho bản thân, gia đình, đi du lịch.
Ngoài việc đạt được học bổng nhờ thành tích học tập tốt, Anh Thư còn gia tăng thu nhập bằng cách đi làm thêm ngoài giờ. Hiện tại, Thư đang làm cùng lúc 3 công việc là nhiếp ảnh, gia sư tiếng Pháp và thiết kế hình ảnh theo yêu cầu. Với số tiền kiếm được, Thư trích ra 60% để dành cho kế hoạch nghỉ hưu sớm trong tương lai.
"Tôi nghĩ mình còn trẻ, cứ cố gắng làm, tiết kiệm tiền để sau này về hưu sớm, sống an nhàn. Tôi không phải con người của công việc, mỗi ngày khi nghĩ đến chuyện đi làm tôi đều cảm thấy mệt mỏi. Kế hoạch nghỉ hưu sớm này như một liều thuốc an ủi, cổ vũ tinh thần tôi", Thư bày tỏ.
Sớm hơn Anh Thư, Trần Kim Long (23 tuổi, ở Q.7, TP.HCM) còn mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi... 30. Theo quan điểm của anh, nghỉ hưu sớm không phải là ngừng làm việc mà thay vào đó là làm việc không tốn sức.
Anh Long đã tập tành đầu tư từ khi còn đi học đại học, nhờ đó mà sớm độc lập tài chính. Nhưng đầu tư cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi không ít lần anh bị khủng hoảng vì "mất trắng sau một đêm".
Anh Long cho hay sau tuổi 30, anh sẽ rời thành phố, về quê làm nông nghiệp và mang tiền đi đầu tư. Số tiền lãi nhận được hằng tháng, anh dùng để chi tiêu, du lịch, phòng khi ốm đau.
"Tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể thực hiện kế hoạch nghỉ hưu này nếu vận dụng 200% năng suất để làm việc trong 7 năm tới. Xã hội bây giờ rất ngột ngạt, nếu cứ làm công ăn lương thì biết bao giờ mới được nghỉ ngơi. Tôi không thể làm việc đến năm 62 tuổi, thậm chí còn không chắc mình có thể sống đến tuổi đó hay không", anh Long chia sẻ.
Qua tìm hiểu, hầu hết nguyên nhân dẫn đến việc người trẻ mong muốn nghỉ hưu sớm đều là do áp lực công việc, chán nản khi đi làm. Đối với một số người, việc nghỉ hưu sớm là một cách thức "giải thoát" khỏi đó. Đây cũng là cơ hội để họ tìm kiếm giá trị cuộc sống, thay vì chỉ chạy theo tiền bạc, vật chất.
Nghỉ hưu sớm là lãng phí sức lao động?
Nghỉ hưu sớm vì không muốn "mòn mông" ở công sở nhưng những người trẻ như Anh Thư, Kim Long cũng thấp thỏm lo sợ rằng sự nhàn hạ sẽ sinh chán nản hay "hoàn nghèo".
Thời gian đầu nghỉ hưu có thể phấn khởi, tận hưởng nhưng về sau dễ bị ù lì, bế tắc. Bên cạnh đó, nhiều người khi có tiền trong tay càng dễ chi tiêu mất kiểm soát nếu không có kế hoạch thu chi rõ ràng, kỷ luật.
Ông Võ Đình Hồi (80 tuổi, ở Quảng Trị) trước khi nghỉ hưu từng công tác tại một bưu điện ở quê nhà. Khi được biết về xu hướng nghỉ hưu sớm của người trẻ, ông không khỏi ngạc nhiên. Ông cho hay, ở thế hệ của ông, nhiều người sau khi về hưu đúng độ tuổi nhà nước quy định còn ngược xuôi tìm việc để làm.
"Tôi thấy mình còn khỏe thì còn làm. Thế hệ tôi khác với thế hệ sau này nhưng có thế nào đi nữa, cũng phải tự lo cho mình, nghỉ hưu sớm mà làm khổ người thân thì cũng không hay", ông Hồi nói.
Còn có nhiều ý kiến cho rằng, nghỉ hưu sớm là lối sống ích kỷ, lãng phí sức lao động, thiếu trách nhiệm với xã hội.
Trên cương vị là một người nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực xã hội học, TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, Trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, lý giải: "Khi các bạn trẻ đến thành phố học tập, làm việc, đặc biệt là các đô thị lớn thì áp lực công việc, cạnh tranh rất cao. Từ đó buộc họ phải luôn nỗ lực nếu không sẽ khó có được vị trí xứng đáng trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Lối sống ngày nay quá nhiều bộn bề nên việc người người mơ ước một cuộc sống bình yên là chuyện hết sức dễ hiểu".
Theo TS Nguyệt Anh, cuộc sống chính là trải nghiệm nên chúng ta cũng không nên quá cực đoan trong chuyện người trẻ muốn nghỉ hưu sớm.
"Bản thân tôi không lên án, phê phán trào lưu nghỉ hưu sớm này. Các bạn còn trẻ nên cứ thử và làm, từ đó tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Ở mỗi giai đoạn, độ tuổi khác nhau thì suy nghĩ cũng sẽ khác. Biết đâu làm việc thêm vài năm họ sẽ lại tìm thấy niềm vui, hạnh phúc ở đó", TS Nguyệt Anh nêu quan điểm.
TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh thông tin: Trong các chương trình đào tạo hiện nay, nhà trường khuyến khích sinh viên có những tư tưởng khai phóng, cống hiến cho xã hội. Tất cả những điều đó phần nào tác động đến tư tưởng nghỉ hưu sớm của nhiều bạn. Trước những biến động không ngừng của xã hội và nền kinh tế, nếu người trẻ mong muốn nghỉ hưu "non" thì cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính vững vàng, suy nghĩ kỹ càng mình sẽ đi đâu, làm gì hậu nghỉ hưu.
Không nghỉ hưu vẫn có thể nghỉ ngơi
Đối mặt với áp lực, mệt mỏi nhưng không thể về hưu, các "ông trẻ, bà trẻ" vẫn có thể chọn cách nghỉ ngơi một thời gian, đi chữa lành tâm hồn. Thậm chí, có nhiều bạn chọn con đường học lên cao, vừa phát triển kiến thức chuyên môn, tăng thu nhập về sau, lại vừa có thêm thời gian suy nghĩ.
TS Nguyệt Anh nhấn mạnh: "Mỗi người có mức sống, khả năng làm việc khác nhau, không nên nhìn vào thành tựu của người khác rồi tự tạo áp lực cho chính mình. Nếu không nghỉ hưu sớm thì hoàn toàn có thể xin nghỉ ngắn hạn hay thay đổi công việc, đi du lịch. Từ đó tự nhìn nhận, đánh giá lại bản thân mình".