Trên thị trường bất động sản năm nay một thay đổi rất quan trọng đó là việc cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, mà nay được Ủy ban Nhân dân cấp xã, nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Quy định mới mở ra cơ hội cho những cá nhân, gia đình đã mòn mỏi chờ đợi việc được cấp sổ đỏ 20, 30 năm trời. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các địa phương vẫn cần những hướng dẫn cụ thể về cách thức và trình tự thực hiện.
Tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, những căn nhà cao tầng khang trang, san sát nằm ngay trên mặt đường rộng, nhộn nhịp nhất nhì xã nhưng bất ngờ là các căn nhà tại cả dãy phố đều chưa có sổ đỏ. Đó cũng là nỗi niềm canh cánh trong lòng của hàng chục hộ dân sinh sống ở đây suốt bao năm qua.
Những hộ dân trên ở huyện Thanh Trì được giao đất từ năm 2000, tức đã gần 24 năm nhưng chưa có sổ đỏ. Quy định trong luật mới về cấp sổ đang mở ra hy vọng cho họ. Cách đây hơn 20 năm trước, các hộ gia đình này được giao đất giãn dân. Lẽ ra UBND cấp huyện phải ra quyết định giao đất. Tuy nhiên, UBND cấp xã thời điểm đó đã làm sai, tự ý giao đất cho người dân, không trình quyết định lên huyện, từ đó gây ra tình trạng có nhà, đất mà không có sổ.
Các địa phương vẫn đang chờ những hướng dẫn cụ thể về cách thức và trình tự thực hiện việc cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ. Ảnh minh họa - Ảnh: VOV.
Theo Luật Đất đai 2024, điều kiện tiên quyết để cấp sổ cho đất không giấy tờ là đất phải phù hợp với quy hoạch, không có tranh cấp và hộ dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Bà Ngô Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội cho biết: "Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương và người sử dụng đất phải trung thực trong việc kê khai việc sử dụng đất. Đối với chính quyền địa phương phải nâng cao năng lực. Nếu không minh bạch, sai thời điểm sẽ áp dụng sai nghĩa vụ tài chính gây thất thoát cho ngân sách nhà nước".
Tuy nhiên, các địa phương cho biết, cần phải có những quy định cụ thể để tránh phát sinh các tiêu cực như chạy chọt, xác nhận không đúng nguồn gốc, thậm chí là gây khó khăn, nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện, khiến người dân phải mất thêm tiền.
"Chúng tôi rất mong dưới luật có nghị định, thông tư hướng dẫn một cách cụ thể, ngắn gọn. Tránh trường hợp có những người né tránh thực hiện nghĩa vụ của mình dẫn đến người sử dụng đất phải có hành động, hình thức nào đấy tiêu cực....", bà Ngô Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội cho hay.
Nhiều người dân cho biết, họ đã chờ đợi thay đổi mới từ rất lâu, các hồ sơ, giấy tờ cũng đã chuẩn bị đầy đủ, chỉ chờ các hướng dẫn cụ thể thi hành luật để tiến hành việc cấp sổ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!