Đại sứ Đức phủ nhận bị triệu tập
Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin, chiều 4/3, Đại sứ Đức tại Moscow Alexander Lambsdorff đã có mặt tại tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga, sau khi truyền thông Nga đưa tin về việc ông Lambsdorff bị Moscow "triệu tập" để chất vấn về bản ghi âm rò rỉ ghi lại cuộc thảo luận giữa các quan chức Đức về kế hoạch tấn công cầu Crimea bằng tên lửa tầm xa Taurus.
Theo ghi nhận của phóng viên RIA Novosti, khi Đại sứ Lambsdorff tới Quảng trường Smolenskaya, trên tay ông cầm một xấp tài liệu. Ngay lập tức, vị đại sứ bị các nhà báo bủa vây và đặt câu hỏi.
"Không có bình luận nào cả, hãy để tôi vào bên trong" – Ông Lambsdorff nói, cố gắng len qua đám đông.
Sau 1 tiếng 10 phút, ông Lambsdorff trở ra ngoài, tiếp tục "đáp lại các câu hỏi của phóng viên Nga bằng sự im lặng".
Đại sứ Đức Alexander Lambsdorff tới tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/3
Tuy nhiên, sau đó vài giờ, khi trả lời tờ Deutsche Welle (Đức), ông Lambsdorff đã phủ nhận thông tin bị triệu tập, đồng thời cho biết chuyến đi của ông tới Bộ Ngoại giao Nga "không liên quan tới cuộc thảo luận bị rò rỉ của các quan chức Đức về việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine".
"Đã có lời mời thảo luận về nhiều vấn đề song phương khác nhau", ông Lambsdorff nói, đồng thời cho biết cuộc gặp đã được lên kế hoạch ngay cả trước khi đoạn ghi âm rò rỉ được công khai.
Bộ Ngoại giao Đức cũng lên tiếng cho biết, đây không phải là buổi triệu tập, mà là cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ lâu.
Trả lời câu hỏi Đức có "triệu tập lại Đại sứ Nga vì vụ việc này (vụ rò rỉ ghi âm) hay không", đại diện Bộ Ngoại giao Đức cho biết chưa có thông tin về vấn đề này.
Đại sứ Đức Alexander Lambsdorff ra về, từ chối câu hỏi của các phóng viên. Nguồn: RIA
Nga công bố nội dung chất vấn
Không lâu sau khi Đại sứ Đức lên tiếng phủ nhận bị triệu tập, theo hãng thông tấn TASS, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo cho biết: Trong ngày 4/3, Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Đại sứ Đức tại Nga Alexander Lambsdorff làm rõ các vấn đề liên quan tới cuộc thảo luận giữa các quan chức Đức về kế hoạch tấn công cầu Crimea.
"Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Đại sứ Đức Alexander Lambsdorff đưa ra lời giải thích liên quan tới cuộc thảo luận của giới chức cấp cao Đức về khả năng cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho chính quyền Kiev và hỗ trợ thiết thực cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến của họ nhằm chống lại các mục tiêu ở Nga. Điều này đã làm nổi rõ sự can thiệp của phương Tây vào cuộc xung đột Ukraine" – Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga viết.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Đức cũng được thông báo rằng, những nỗ lực của chính quyền Đức nhằm hạn chế hoạt động của các nhà báo Nga ở Đức là "không thể chấp nhận được".
"Hành động đó sẽ nhận được sự đáp trả quyết liệt từ phía chúng tôi" – Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, cũng trong ngày 4/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng xác nhận việc Berlin từ chối cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine. Ông Scholz cho biết, việc chuyển giao loại vũ khí này bị loại trừ vì cần có sự tham gia trực tiếp của quân đội Đức.
"Không thể có chuyện cung cấp một hệ thống chiến đấu có tầm bắn rất xa mà không nghĩ tới cách kiểm soát nó. Và nếu chúng ta muốn kiểm soát thì điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu có sự tham gia của quân đội Đức", ông Scholz nói.
"Phương thức cung cấp này hoàn toàn bị loại trừ. Tôi đã tuyên bố rất rõ ràng" – Ông Scholz nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông không đề cập trực tiếp tới chủ đề cuộc thảo luận bị rò rỉ giữa các quan chức cấp cao của Đức về kế hoạch tấn công cầu Crimea.
Trước đó, ông Scholz đã nhiều lần nhấn mạnh việc phản đối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine bởi điều đó có nguy cơ kéo Đức tham gia vào cuộc xung đột.
Bản ghi âm được Đài truyền hình RT của Nga công bố ngày 1/3 tiết lộ cuộc trò chuyện được cho là giữa một số sĩ quan cấp cao của Không quân Đức về chi tiết hoạt động và mục tiêu của tên lửa tầm xa Taurus.
Họ tranh luận về việc có nên gửi loại vũ khí này tới Ukraine hay không, cũng như các kịch bản có thể trong trường hợp Ukraine sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea có tầm quan trọng chiến lược.
Ngoài việc sử dụng tên lửa Taurus, các quan chức Đức được cho là còn đề cập đến sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài ở Ukraine để giúp Kiev vận hành vũ khí do phương Tây cung cấp.