Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, những ngày này, hoạt động xây dựng trên công trường đường song hành quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) diễn ra nhộn nhịp. Nhiều tổ công nhân, kỹ sư chia thành ba ca, bốn kíp làm việc liên tục.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), dự án này bao gồm 7 gói thầu xây lắp. Trong đó, 4 gói xây lắp số 1, 2, 3, 4 làm đường song hành quốc lộ 50 đã được khởi công từ ngày 27-12-2022, đến nay đã đạt khoảng 53% khối lượng và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Còn lại là các gói thầu mở rộng quốc lộ 50 hiện hữu (thuộc gói xây lắp số 5, 6, 7) sẽ khởi công trong tháng 3 này và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Ban Giao thông cho biết thêm việc xây dựng dự án đường song hành quốc lộ 50 thời gian qua khá ổn, nhưng bị khựng lại vài đoạn vì gặp khó khăn do vướng mắc mặt bằng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ trong thời gian tới nếu như mặt bằng vẫn vậy.
Công tác bồi thường, giải phóng và bàn giao mặt bằng là do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh (Ban Bồi thường) làm chủ đầu tư. Tổng số hộ, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dự án này là 594.
Tuy nhiên, đến nay khi đã sắp khởi công mở rộng quốc lộ 50 hiện hữu nhưng Ban Giao thông chỉ nhận được mặt bằng của 544/594 hộ. Những mặt bằng còn lại bị vướng thuộc 2 doanh nghiệp (11 hộ) và 50 hộ dân.
Cụ thể, đoạn đầu tuyến giáp đường Nguyễn Văn Linh vẫn còn 24 nhà dân (khoảng 5.000m2) chắn ngang tuyến đường chưa thể giải tỏa để làm dự án. Mặt bằng thuộc 2 doanh nghiệp ở đoạn khu dân cư Gia Hòa hiện hữu (3 hộ) và khu dân cư Phong Phú 4 giáp đường Trịnh Quang Nghị (8 hộ) chưa hoàn thành bồi thường cho dân.
Còn đối với đoạn mở rộng quốc lộ 50 hiện hữu, Ban Bồi thường cho biết phần lớn mặt bằng đã được các hộ dân ký biên bản bàn giao. Tuy nhiên, còn 24 hộ (thuộc xã Đa Phước) vẫn chưa đồng ý bàn giao. Hiện nay, UBND huyện Bình Chánh đang vận động các hộ dân tháo dỡ nhà cửa để bàn giao.
Các khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ được UBND huyện Bình Chánh tiếp tục báo cáo, kiến nghị tới các sở, ngành có liên quan và UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Tăng vốn đầu tư do chậm giải phóng mặt bằng
Cuối năm 2023, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy). Điều đáng nói, tổng mức đầu tư đã tăng từ 1.415 lên 2.075 tỉ đồng (tức tăng hơn 660 tỉ đồng so với kế hoạch được chấp thuận từ năm 2025 ).
Lý do dẫn đến việc này được cơ quan chức năng lý giải vì công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến hệ số điều chỉnh giá đất thay đổi (tăng thêm). Tương tự, dự án mở rộng đường Chu Văn An, cải tạo kênh Hàng Bàng (quận 5), nút giao Mỹ Thủy, cầu Tăng Long của tăng vốn.
Việc áp dụng cơ chế mới đã giúp công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 TP.HCM đạt kỷ lục, trở thành dự án kiểu mẫu. Thành quả dễ thấy ngay là không chỉ dự án "chạy" nhanh hơn mà còn giúp người dân bị ảnh hưởng sớm an cư tại nơi ở mới.