vĐồng tin tức tài chính 365

Luật sư nói gì về vụ chủ xe bị từ chối bảo hành với lý do không bảo dưỡng định kỳ?

2024-03-06 11:44

Mới đây trên một số trang mạng xã hội rầm rộ về thông tin một chủ xe bị hãng từ chối bảo hành do chủ xe không bảo dưỡng định kỳ tại hãng theo yêu cầu.

Được biết chủ xe của chiếc sản xuất năm 2022 tại TP.HCM đã di chuyển hơn 40.000 km, khi đang chạy, xe hiện cảnh báo lỗi áp suất dầu ở mức thấp, sau đó chết máy, động cơ không thể khởi động lại.

Khi đưa xe đến hãng bảo hành, xưởng thông báo lỗi không thuộc diện bảo hành, vì hệ thống không ghi nhận bất kỳ lần bảo dưỡng chính hãng nào kể từ khi xe đăng ký bảo hành vào tháng 8-2022. Theo sổ bảo hành của hãng, nếu "xe không bảo dưỡng định kỳ hoặc bảo dưỡng không đầy đủ theo lịch bảo hành" sẽ không được bảo hành khi gặp sự cố. Hãng cho biết thêm trách nhiệm của chủ xe là "phải tuân thủ lịch bảo dưỡng định kỳ tại các đại lý của công ty phân phối".

Hãng xe có được từ chối bảo hành?

Sự việc cũng gây ra nhiều tranh cãi cho các chủ xe khác. Vấn đề được đặt ra ở đây là khi nào hãng xe được từ chối bảo hành xe cho khách hàng?

Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết Khoản 6, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô quy định như sau:

Bảo hành là nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong việc bảo đảm chất lượng ô tô đã bán ra trong điều kiện nhất định.

Bảo dưỡng là công việc cần thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhằm duy trì trạng thái vận hành bình thường của ô tô.

Đồng thời, khoản 1 Điều 3 Thông tư 53/2014 của Bộ GTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định “Bảo dưỡng là công việc dự phòng được tiến hành bắt buộc sau một chu kỳ vận hành nhất định trong khai thác theo nội dung công việc đã quy định nhằm duy trì trạng thái kỹ thuật tốt của xe cơ giới".

chủ xe
Theo luật sư bảo hành là trách nhiệm của nhà sản xuất trong thời gian nhà sản xuất cam kết bảo hành còn bảo dưỡng là nghĩa vụ của chủ xe. (Ảnh minh hoạ: TN)

Điều 446 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.”

“Như vậy, bảo hành là trách nhiệm của nhà sản xuất trong thời gian nhà sản xuất cam kết bảo hành. Ngược lại, bảo dưỡng là nghĩa vụ của chủ xe”- luật sư Mạch nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Mạch thì tại điểm a khoản 2 Điều 6, khoản 4 Điều 10 Thông tư 53/2014 của Bộ GTVT, chủ xe, lái xe có trách nhiệm theo dõi và chấp hành việc bảo dưỡng phương tiện theo chu kỳ bảo dưỡng nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, việc bảo dưỡng định kỳ đối với xe cơ giới được thực hiện tại cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy định của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, Điều 488 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nhà sản xuất phải sữa chữa và đảm bảo xe có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đủ các đặc tính đã cam kết theo chính sách bảo hành. “Tuy nhiên, pháp luật không có quy định cụ thể về trường hợp nào được/không được bảo hành, mà mỗi nhà sản xuất xe sẽ quy định chính sách bảo hành riêng của hãng xe đó”- luật sư cho biết.

Tuỳ hãng xe có điều kiện không bảo hành

Luật sư Mạch đưa ra ví dụ, đối với một hãng xe phân phối tại thị trường Việt Nam, hãng xe này quy định việc bảo hành được áp dụng cho tất cả các loại xe do hãng phân phối tại thị trường Việt Nam với thời gian là 5 năm hoặc 150.000 km, tùy vào điều kiện nào đến trước.

Hãng chỉ đảm bảo sửa chữa, thay thế các phụ tùng của xe mới bị hỏng hóc trong điều kiện: Xe hoạt động trong điều kiện bình thường; Chất lượng phụ tùng không tốt; Lỗi lắp ráp;Trừ những điều kiện ghi trong mục hạn chế bảo hành.

Cụ thể, các trường hợp không được bảo hành của hãng xe này bao gồm: Những yếu tố ngoài kiểm soát của Nhà sản xuất (Những ảnh hưởng do hạn chế của luật pháp hay quy định của Chính phủ; Chiến tranh, bạo loạn, đóng cửa nhà máy, lỗi lao động; Những sửa chữa hay điều chỉnh do sử dụng sai (đua xe, chở quá tải), tai nạn, cẩu thả, tự ý sửa đổi, tự ý cải tiến, đấu nối, tháo ngắt, sửa chữa, điều chỉnh không đúng kỹ thuật, tự ý lắp thêm phụ tùng/phụ kiện không thuộc chế độ bảo hành; Ăn mòn do hóa mỹ phẩm hoặc ăn mòn bề mặt xe do bị đá bắn hoặc xước sơn không được bảo hành; Hư hại hay bị ăn mòn do môi trường như mưa axit, hóa chất, nhựa cây, muối, mưa đá, mưa bão, sấm chớp, ngập lụt và những tác động tự nhiên khác đều không được bảo hành).

Không bảo hành xe dùng sai nguyên liệu, dầu bôi trơn: Các trường hợp xe hư hỏng do dùng sai nhiên liệu, dầu bôi trơn không đúng với các loại nguyên liệu đã quy định trong cuốn "Hướng dẫn sử dụng" đều không thuộc chế độ bảo hành.

Chi phí bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của chủ xe: Những công việc hiệu chỉnh động cơ, thay dầu bôi trơn, rửa xe, đánh bóng, thay bầu lọc, nước làm mát, dung dịch điện phân, ga điều hòa, nhiên liệu, các loại dầu mỡ, chất phụ gia, bugi, cầu chì, bóng đèn (trừ bóng halogen, bóng HID, bóng liền chóa), dây đai dẫn động (trừ dây đai cam), cao su gạt nước, má phanh, đĩa côn đã mòn là việc bảo dưỡng thường xuyên yêu cầu cho mọi loại xe…đều là những hạng mục bảo dưỡng không thuộc chế độ bảo hành.

Tiếng động bình thường, xe rung, giảm giá trị tự nhiên: Tiếng động bình thường, xe rung, sự ăn mòn hay bị giảm giá trị tự nhiên như ngả màu, biến dạng, tỳ vết, không được bảo hành.

Chi phí phụ: Thiệt hại phụ hoặc hậu quả kèm theo như gọi điện thoại, mất thời gian, nhỡ việc hay thiệt hại về thương mại không thuộc chế độ bảo hành.

Đồng thời, trong điều kiện giới hạn bảo hành phụ tùng phụ kiện, chủ xe phải có trách nhiệm: Sử dụng, bảo dưỡng xe đúng theo hướng dẫn trong sổ Hướng dẫn sử dụng xe. Lưu giữ tài liệu liên quan đến việc thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo quy định trong Sổ bảo hành, vì đó là tài liệu chứng minh xe của bạn đã thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo quy định. Lưu giữ cẩn thận các tài liệu, lệnh sửa chữa, hóa đơn liên quan đến việc thay thế phụ tùng vì đó là tài liệu chứng minh xe của bạn được thay thế phụ tùng do hãng cung cấp.

THY NHUNG

Xem thêm: lmth.859877tsop-yk-hnid-gnoud-oab-gnohk-od-yl-iov-hnah-oab-iohc-ut-ib-ex-uhc-uv-ev-ig-ion-us-taul/nv.olp

“Luật sư nói gì về vụ chủ xe bị từ chối bảo hành với lý do không bảo dưỡng định kỳ?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools