Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền trong tháng 5 tới đây.
Luật Đất đai mới đã mở ra cơ hội được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi chung là sổ đỏ) cho các trường hợp không giấy tờ, sử dụng trước ngày 1/7/2014. Để được cấp sổ, người dân phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đóng các khoản thuế phí theo quy định. Một số trường hợp, con số này không hề nhỏ, có thể vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cấp sổ đỏ cho các trường hợp đất không giấy tờ được đánh giá là một trong những điểm nhấn quan trọng trong Luật Đất đai sửa đổi vừa qua
Tại mặt đường quốc lộ 32, huyện Hoài Đức - một trong những trục đường sầm uất, có tốc độ đô thị hóa nhanh bậc nhất Hà Nội, mỗi m2 đất ở đây đang có giá thị trường khoảng 150 triệu/m2.
Thế nhưng, cũng là nằm ngay trên mặt đường lớn, nhưng khi được hỏi đến, ông Vũ Văn Dũng - xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội không tự tin xác định giá trị căn nhà của mình, vì chưa được cấp sổ đỏ. Ông Dũng chia sẻ, vì không có sổ đỏ nên không mua bán được vì nguofi mua không tin tưởng.
Căn nhà của ông Dũng và vài chục căn nhà khác ở đây vốn là đất được UBND xã giao sử dụng, từ năm 1996. Lúc đó, mỗi gia đình đã nộp một số tiền nhất định để nhận đất, nhưng biên lai lại ghi là "Ủng hộ ngân sách xã xây dựng địa phương", hoặc "phòng chống bão lụt"…
Vì UBND cấp xã làm sai, nên các thửa đất gần 30 năm qua vẫn chưa thể làm được sổ đỏ. Tuy nhiên, hiện nay, khi Luật Đất đai mới được thông qua, các trường hợp như thế này sẽ được gỡ vướng, cấp sổ, một số hộ dân lại tỏ ra e dè.
Việc cấp sổ đỏ cho những căn nhà khang trang sẽ giúp cho Nhà nước dễ dàng hơn trong việc quản lý vừa thu được thuế phí. Tuy nhiên, tại một số địa phương, khó khăn lại phụ thuộc về phía người dân, trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp sổ đỏ.
Bà Giang Thị Thu Hà - xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội tâm sự: "Người dân chỉ ở nhà và người già, với số tiền nhiều thì người dân chỉ để sống lâu dài, không có nhu cầu chuyển nhượng đất làm sổ đỏ".
Khi xin cấp sổ đỏ, người sử dụng đất phải nộp các khoản tiền như tiền sử dụng đất (trừ trường hợp được miễn). Đây là khoản chiếm chi phí lớn nhất. Ngoài ra, còn có Lệ phí trước bạ; Lệ phí cấp sổ đỏ; Phí thẩm định hồ sơ. Như trường hợp căn nhà khang trang, gần 100m2 tại huyện Thanh Trì, mức thuế phí dự kiến phải nộp là khoảng 1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Lan - xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Chồng tôi chỉ là nhân viên, mỗi tháng lương vài triệu nhưng bây giờ đóng số tiền lớn như vậy, chúng tôi cũng đang trăn trở vì đây là một số tiền lớn với gia đình chúng tôi".
"Luật quy định các hộ có thể đóng từng đợt hoặc đóng giãn ra. Nay thay mặt các hộ dân, rất mong các cấp chính quyền xây dựng luật tạo điều kiện cho các hộ dân giãn đóng nghĩa vụ tài chính, hoặc đóng theo đợt, để các hộ dân có điều kiện đóng đúng theo quy định pháp luật" - ông Nguyễn Xuân Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội nhận định.
Cấp sổ đỏ cho các trường hợp đất không giấy tờ được đánh giá là một trong những điểm nhấn quan trọng trong Luật Đất đai sửa đổi vừa qua. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, các địa phương kiến nghị cần sớm có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt về căn cứ, cách thức nộp thuế phí, đảm bảo người dân thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương trong việc xác nhận nguồn gốc đất, tránh cảm tính, tạo sự công bằng, minh bạch cũng hết sức quan trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.37742130160304202-od-os-gnohk-tad-ohc-ihp-euht-pon-naig-ihgn-neik/et-hnik/nv.vtv