Làm sao để khơi thông dòng vốn, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh đang là thách thức lớn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm qua (6-3) cũng đã yêu cầu các ngân hàng trước 14h hôm nay (7-3) phải báo cáo đầy đủ tình hình liên quan trong thời gian qua để chuẩn bị có buổi họp cùng Thủ tướng (dự kiến tổ chức vào giữa tháng 3).
Trước đó, Thủ tướng cũng đã yêu cầu công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng và lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Ngân hàng đua tung gói vay ưu đãi
Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 1-2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM giảm 0,93% so với cuối năm 2023.
Báo cáo Thị trường tiền tệ tháng 2 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì ước tính tín dụng đến ngày 16-2 đang âm 1%. Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng lớn cũng giảm mạnh như Vietcombank (-2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (-1,3%) hay MBBank (-0,7%).
Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết yếu tố mùa vụ là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng (gắn liền với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), bên cạnh các yếu tố khách quan khác như nhu cầu vốn, tình hình kinh tế - xã hội và khả năng hấp thụ vốn.
Ngoài ra, một điểm cần chú ý là nhu cầu vốn (chủ yếu ngắn hạn) đã tăng mạnh trong ba tháng cuối năm 2023 dành cho hoạt động sản xuất, thương mại phục vụ kỳ nghỉ lễ. Do đó phần dư nợ này sẽ giảm theo kỳ hạn vay và thời hạn trả nợ vào dịp Tết (khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, hạn chế việc phải chi trả lãi vay trong kỳ nghỉ).
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, do nguồn tiền gửi đang dồi dào trong khi đầu ra gặp khó nên các ngân hàng đua nhau tung ra các chương trình cho vay ưu đãi để kích cầu tín dụng, bao gồm cả các chương trình cho vay mua nhà lẫn vay sản xuất kinh doanh.
Cụ thể như Ngân hàng Bản Việt (BVBank) triển khai chương trình cho vay mua nhà siêu nhanh dành cho khách hàng vay mua, xây, sửa nhà hoặc cho vay bù đắp xây/sửa nhà tại Hà Nội và TP.HCM.
Với thời gian vay từ 24 tháng trở lên, nếu khách hàng chọn ưu đãi lãi suất trong 5 tháng đầu thì sẽ được hưởng lãi suất 5%/năm, nếu chọn ưu đãi lãi suất trong 6, 9, 12, 18 tháng đầu thì lãi suất vay lần lượt là 5,5%/năm, 6,5%/năm, 7,5%/năm, 8,9%/năm.
Không chỉ áp dụng lãi suất thấp, ngân hàng còn áp dụng nhiều ân hạn về thời hạn trả lãi để nhẹ gánh cho người vay, nhất là trong thời gian đầu. Chẳng hạn tại BVBank, mức cho vay tối đa lên đến 75% giá trị bất động sản, ân hạn nợ gốc lên đến 24 tháng hoặc lựa chọn phương án trả nợ linh hoạt.
Cụ thể, thay vì ngân hàng chia đều nợ gốc cho toàn bộ thời gian vay thì hiện nay người vay mua nhà đất chỉ trả góp 50%, còn 50% tiền gốc trả vào kỳ cuối cùng. Điều này giúp giảm áp lực cho người vay, từ đó họ có thể tích lũy số vốn để trả vào cuối kỳ.
Ngân hàng Nam Á cũng tung ra chương trình "Lãi suất cạnh tranh, vay nhanh thắng lớn" dành cho cá nhân vay kinh doanh hoặc vay tiêu dùng. Lãi suất cho vay với cá nhân vay kinh doanh chỉ từ 7%/năm, còn cho vay tiêu dùng là 7,5%/năm.
LPBank triển khai chương trình cho vay tiêu dùng linh hoạt, lãi suất 6,5%/năm. BacABank tung ra gói 7.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng, áp dụng từ nay đến 30-6 với lãi suất vay từ 6,6%/năm.
VPBank "chơi lớn" khi tung ra gói vay tái tài trợ với lãi suất từ 5,3%/năm "không giới hạn số tiền vay, không cần tiền tất toán khoản vay cũ, không cần định giá lại tài sản". "Ông lớn Big4" là BIDV tung gói tín dụng trung dài hạn 100.000 tỉ đồng, lãi suất từ 6,2%/năm và gói tín dụng xanh với lãi suất cho vay chỉ từ 4,7%/năm.
Người vay nói lãi suất chỉ thấp thời gian đầu
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến tháng 3-2024 lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng đã giảm đáng kể so với thời điểm giữa năm 2023. Một số ngân hàng hạ mức lãi suất cho vay mua nhà trung bình xuống còn 5-6%/năm trong thời gian ưu đãi.
Tuy nhiên, nhiều người vay cho biết hiện nay lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi, thông thường từ 6-12 tháng đầu khá thấp, nhưng sau thời gian ưu đãi lãi suất lại ở mức khá cao. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm hiện nay, họ phải đắn đo khi đặt bút ký vào hợp đồng tín dụng.
Chị P.H. (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đang có ý định đổi nhà cho rộng rãi hơn. Số tiền dự kiến vay khoảng 2 tỉ đồng trong 5 năm. Hơn 1 tháng nay chị đã tới ba ngân hàng tham khảo nhưng vẫn chưa chốt vay ở ngân hàng nào.
Các ngân hàng khối tư nhân có điều kiện vay khá thuận lợi, chỉ cần tài sản thế chấp là giải ngân ngay trong 1-2 ngày. Tuy nhiên, mức lãi suất chưa thật sự hấp dẫn.
Trong 6 tháng đầu tiên, lãi suất ưu đãi chỉ 6 - 6,5%/năm. Nhưng 12 tháng tiếp theo, lãi suất cho vay thả nổi, tức là bằng lãi huy động kỳ hạn 12 tháng + 3 - 3,5%/năm.
"Tôi mong lãi suất cho vay giảm thêm vì gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng chỉ 3 - 3,5%/năm. Ngoài ra, dù vay tiêu dùng nhưng khách hàng có tài sản thế chấp là bất động sản.
Nên lãi suất cho vay thả nổi theo thị trường nhưng biên độ tối đa cũng 2 - 2,5%/năm thôi. Như thế người có nhu cầu ở thật mới dám vay để mua nhà" - chị P.H. chia sẻ.
Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết cho vay đối với bất động sản tính đến cuối năm 2023 đạt 2,88 triệu tỉ đồng, chiếm 21% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản năm 2023 đạt hơn 14,8% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tăng trên 22%, lĩnh vực tiêu dùng bất động sản lại giảm nhẹ 0,7%.
Sốt ruột vì tiền nằm trong ngân hàng
Ông Đào Minh Tú - phó thống đốc NHNN - khẳng định chưa bao giờ ngành ngân hàng siết vốn với lĩnh vực bất động sản vì ngân hàng luôn coi bất động sản là lĩnh vực quan trọng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng.
Song việc cho vay đối với bất động sản phải tạo dòng tiền luân chuyển được, không gắn với câu chuyện đầu cơ, thao túng thị trường, dẫn đến trì trệ dòng vốn. Còn vốn vào dự án thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội và phục vụ nhu cầu thực của người dân là vấn đề mà ngân hàng cần phải tập trung vốn.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm nay NHNN đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm. Mức tăng này tương đương với 2 triệu tỉ đồng sẽ bơm thêm vào nền kinh tế. Dư địa tín dụng là rất lớn.
Tuy nhiên, trong vai của ngân hàng thương mại, ông Phạm Đức Ấn - chủ tịch hội đồng thành viên Agribank - cho hay bước sang năm 2024, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều mảng xám. Không ít nền kinh tế lớn vẫn đang gặp khó khăn.
Điều này tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Thực tế, nhu cầu sử dụng vốn sụt giảm do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa chưa được cải thiện.
Người dân tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất huy động giảm nhiều. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng thương mại đang dư thừa vốn. Như tại Agribank, ngân hàng hiện huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng, dù ngay từ đầu năm đã chủ động giảm lãi suất cho vay.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Hà Nội cũng chia sẻ rất sốt ruột vì huy động vốn của người dân mà không cho vay ra được.
Qua hai tháng "uể oải", kỳ vọng tháng 3 tín dụng sẽ tăng nhưng mức tăng bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân, mặt bằng lãi suất; việc đáp ứng điều kiện vay…
Riêng đối với cho vay bất động sản, vấn đề không đơn giản khi mà cầu bất động sản, hay nói cách khác là người dân còn dè dặt khi vay mua nhà. Bởi thu nhập của người lao động mấy năm qua bị giảm sút do dịch COVID-19 và kinh tế khó khăn, trong khi giá nhà không giảm mà lại còn tăng.
Vẫn phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Về giải pháp thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, ông Ấn cam kết Agribank sẽ cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Mặt khác, dòng vốn tín dụng tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp phục vụ các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Về lãi suất cho vay, tại hội nghị thúc đẩy tín dụng vừa được NHNN tổ chức, ông Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm thủ tục, điều kiện để hạ tiếp lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng.
Về phía các ngân hàng cũng đang cố gắng đẩy nhanh tín dụng. Ông Võ Hoàng Hải, phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho hay ngân hàng đang cố gắng xây dựng gói sản phẩm ưu đãi lãi suất có thể là 6%/năm cho khách hàng doanh nghiệp nằm trong 5 nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của NHNN tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, ngân hàng cũng định hướng giảm chi phí huy động vốn, trên cơ sở đó sẽ giảm thêm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ông Hải cũng dự báo lãi suất sẽ thay đổi theo chu kỳ kinh tế và thanh khoản bất động sản trong thời gian tới. Khi thanh khoản và thị trường tốt lên, lãi suất sẽ không thấp như hiện tại.
Ông Phạm Thanh Hà, phó thống đốc NHNN, cho biết NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục cho vay để hạ lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng. Hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng rất dồi dào và sẵn sàng nguồn vốn cho vay.
Song, qua theo dõi của NHNN, ông Hà thông tin tín dụng tháng 1 có giảm, tháng 2 giảm ít hơn. Như vậy, tín dụng tháng sau đã có sự tăng trưởng hơn.
NHNN sẽ tiếp tục theo dõi tăng trưởng tín dụng của tháng 3, quý 1 và các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Hà nói thêm cần sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Còn về phía người đi vay, các doanh nghiệp cần tích cực tái cơ cấu hoạt động, có thêm các dự án đầu tư hay sản xuất kinh doanh khả thi, chứng minh được sự khả thi của các dự án… để ngân hàng thẩm định và cung ứng vốn vay một cách thuận lợi hơn.
Sẽ còn gian nan do dự báo kinh tế khó khăn
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, tín dụng bất động sản chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Kỳ vọng tín dụng mua nhà, sửa chữa nhà ở sẽ tăng trở lại trong năm nay khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm.
Song nhiều chuyên gia lo ngại lãi suất cho vay mua nhà 12 tháng hiện vẫn trên 10 - 11%/năm, chưa hấp dẫn người dân, nhất là lãi suất cho vay mua nhà sau đó thả nổi theo thị trường.
Thông thường, các khoản vay mua nhà thường có kỳ hạn dài 5 - 10, thậm chí 15 - 20 năm. Nên việc kích cầu tín dụng tiêu dùng bất động sản sẽ gian nan, nhất là trong bối cảnh kinh tế năm nay được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn.
* Ông Nguyễn Đức Lập (viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản):
Có nhà để mua thì mới có người vay tiền
Vấn đề lớn nhất với việc cho vay mua nhà hiện nay là nguồn cung bị tắc, nguồn cung nhà ở đang rất khan hiếm.
Ngân hàng muốn cho vay vốn trước hết phải có nguồn cung nhà ở, có khách hàng mua nhà thì mới có người vay vốn, không có sản phẩm đưa ra thị trường thì sẽ không ai đi vay vốn ngân hàng.
Bối cảnh kinh tế hiện nay còn nhiều rủi ro, tâm lý phòng thủ vẫn lớn, người dân còn e ngại trong vay vốn để mua nhà ở.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư thời gian qua đã xoay xở với pháp lý dự án nhưng vẫn chưa giải quyết được, trong khi điều kiện vay vốn chặt chẽ, nên chủ đầu tư cũng không vay được vốn.
* Luật sư Trương Anh Tuấn (trưởng ban pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam):
Giá trị bất động sản vẫn khá cao
Giá trị của bất động sản hiện vẫn khá cao so với mặt bằng kinh tế trong nước. Nên việc bơm thêm vốn vào thị trường có nguy cơ tạo bong bóng bất động sản.
Đây cũng là một lý do ngân hàng còn tiền nhưng họ không "bơm" vào bất động sản, dự án còn đẹp nhưng không dễ vay được vốn. Điều này liên quan đến quản lý rủi ro tín dụng bất động sản.
* Ông Nguyễn Chí Thanh (tổng giám đốc Công ty cao ốc quốc tế Hồ Tây):
Ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng…
Các ngân hàng hiện nay rất muốn cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn nhưng không cho vay được vì phải cân nhắc ba yếu tố. Thứ nhất là doanh nghiệp vay vốn có tài sản đảm bảo hay không.
Thứ hai là chất lượng tài sản đảm bảo. Thứ ba là dự án đầu tư của doanh nghiệp có hiệu quả tốt không.
Nhưng chắc chắn năm nay tín dụng cho vay bất động sản sẽ tăng cao hơn năm trước. Các ngân hàng đang thận trọng để lựa chọn dự án hấp dẫn thị trường, sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường để cho vay.
Nếu không cho vay bất động sản thì các ngân hàng cũng khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Nhu cầu mua bất động sản nhà ở vẫn rất lớn, thời gian qua thị trường chỉ có vấn đề là sản phẩm tốt nhưng giá bán chưa phù hợp với nhu cầu người dân. Cho nên các chủ đầu tư phải điều chỉnh để sản phẩm phù hợp với số đông.
Thủ tướng yêu cầu công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.