Phần lớn ý kiến ủng hộ quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo siết lại việc thực hiện Luật Giáo dục, ngừng tuyển sinh lớp 6 vào cấp THCS trong các trường THPT chuyên. Trong khi đó, không ít bạn đọc đề xuất tiếp tục giữ ổn định tuyển sinh vào lớp 6 trường chuyên, cụ thể là Trường Amsterdam (Hà Nội) và Trường Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).
Không thể nói bỏ là bỏ ngay, cần có lộ trình
- Tôi phản đối việc bỏ hệ THCS trong trường chuyên. Học sinh đang học tốt tại sao lại phải bỏ? Tôi chưa thấy cơ quan quản lý đưa ra được lý do chính đáng nào cả.
Bạn đọc Nguyễn Sóng
- Thực tế trường chuyên là nơi thầy cô đào tạo nâng cao cho những học sinh có năng lực tốt hơn. Nó cũng như tuyển sinh lớp 10 và đại học vậy. Tôi thấy các trường chuyên làm rất tốt vấn đề đào tạo. Và cần nhân rộng mô hình khảo thí để tránh quá tải. Về giảm tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chú trọng chiến lược lâu dài, chứ không phải thay đổi theo nhiệm kỳ thì rất bất an cho học sinh và phụ huynh.
Bạn đọc than****@gmail.com
- Tại sao cái tốt thì lại bắt bỏ? Tại sao học sinh giỏi lại không được học cùng với nhau mà lại phải phân bổ ra rải rác ở khắp nơi? Làm vậy thì khác gì cào bằng, không tạo điều kiện cho những học sinh có tố chất phát triển theo năng lực mà luôn phải theo mặt bằng chung.
Bạn đọc Quang
- Thi tuyển như Trường chuyên Trần Đại Nghĩa thể hiện sự công bằng. Học giỏi mà không muốn thi vào Trần Đại Nghĩa thì học trường khác cũng tốt, còn muốn học Trần Đại Nghĩa thì thi theo năng lực các con. Chứ phân theo tuyến lại dựa vào nhiều yếu tố khác và không tránh xảy ra chuyện chạy trường.
Ngày trước tôi học trường có cả lớp chuyên và không chuyên. Vào lớp chuyên là động lực phấn đấu của học sinh lớp không chuyên; còn học sinh lớp chuyên cũng ráng học vì sợ mất chỗ. Mình thấy như vậy quá hay, sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại muốn thay đổi nhỉ!
Bạn đọc Công Dân
- Thi tuyển như trường chuyên Trần Đại Nghĩa thể hiện sự công bằng, thúc đẩy động lực học tập của các em có năng lực. Học sinh giỏi học trong môi trường tốt, cạnh tranh bình đẳng. Tôi có hai con học cấp 1 và 3 (bạn cấp 3 hiện đang học Trần Đại Nghĩa), thấy rằng phân học sinh theo tuyến lại dựa vào nhiều yếu tố khác như năng lực kinh tế và mối quan hệ của bố mẹ để con có thể có được môi trường học tập tạm gọi là tốt.
Bạn đọc Lan Quan
- Việc dừng tuyển sinh hệ không chuyên cần có lộ trình báo trước vài năm học, không nên nói dừng là dừng ngay. Vì hiện tại vẫn còn rất nhiều học sinh tiểu học mong muốn được học lớp 6 tại trường chuyên.
Bạn đọc Huong
Cần chấm dứt cuộc đua mệt mỏi và tốn kém
- Theo tôi nên dẹp mấy lớp chuyên THCS. Một số phụ huynh bắt ép con mới học lớp 2, 3 đã luyện thi khiến các cháu không có tuổi thơ. Ngoài ra còn tạo cơ hội cho nhiều lò luyện thi bát nháo, nhồi nhét học sinh. Hãy xếp học theo tuyến, theo phường quận, theo chỗ làm của cha mẹ là phù hợp nhất.
Bạn đọc Anp8
- Năm nào cũng chạy đua luyện thi, thi tuyển, vừa gây lãng phí tốn kém, vừa gây áp lực cho các em. Học xong tiểu học còn chưa hoàn hồn đã phải nhảy vào một kỳ thi căng thẳng. Đó là chưa kể việc học sinh từ khắp nơi tập trung vào một chỗ như vậy, phụ huynh đưa đón, di chuyển rất vất vả, tốn kém. Thi tuyển vào lớp chuyên THPT mới là phù hợp.
Một bạn đọc
- Con trẻ mới cấp 1 mà đã suốt ngày đêm ôn luyện. Chúng phải khổ cực như vậy là do tham vọng của bố mẹ cả. Đừng nên gây thêm áp lực thi cử và tốn kém cho xã hội. Không dứt khoát chuyện này thì là mặc nhiên chấp nhận sự vi phạm diễn ra kéo dài, thách thức dư luận.
Bạn đọc Diễm
- Thay vì đưa ra chính sách đặc thù để tiếp tục thi tuyển lớp 6 trong trường chuyên thì việc nâng chất lượng giảng dạy ở các nhà trường quan trọng và cấp thiết hơn. Nếu chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục đều được nâng cao, đầu tư sẽ tạo được công bằng trong môi trường học tập của mọi đứa trẻ.
Các trường THCS phải nhận học sinh theo phân tuyến, tức mặt bằng học sinh rất khác nhau. Trong khi một số ít trường lại tuyển chọn, gây nên sự mất công bằng trong đào tạo.
Chúng ta luôn nói học sinh trường Amsterdam và Trần Đại Nghĩa giỏi, điều đó không sai, nhưng thực tế cho thấy các em đã giỏi trước khi vào các trường này. Từ vài ngàn học sinh đủ điều kiện dự tuyển, thi chọn ra vài trăm em thì các em đã có nền tảng vững chắc trước đó.
Nếu các em giỏi được chia đều cho các trường thì tạo động lực cho giáo viên giảng dạy, tự nâng cao trình độ để có thể giảng dạy tốt nhất. Một giáo viên vào một lớp toàn học sinh ưu tú thì chính giáo viên cũng phải tự nâng tầm của mình. Còn giáo viên nhận một lớp học sinh có sức học không tốt, ý thức tự học không cao thì lấy đâu ra động lực để làm mới mình?
Việc dạy đúng, dạy đủ đã là một áp lực, chứ đừng nói đến nâng cao hay mở rộng. Nên tạo cho mọi đứa trẻ một môi trường học tập công bằng và thụ hưởng mọi giá trị như nhau.
Chúng ta nên để những đứa trẻ phát triển đúng lứa tuổi, đừng ép các con nhốt mình hơn 12 tiếng/ngày cho những lớp học thêm, luyện thi... Phụ huynh thương con nhưng đừng lựa chọn và quyết định áp đặt thay bọn trẻ.
Bạn đọc Giang
Nhiều phụ huynh và học sinh đề nghị có cơ chế đặc thù để Trường chuyên Amsterdam (Hà Nội) và Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) được tiếp tục tuyển sinh lớp 6.