Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez - Ảnh: REUTERS
"Chúng ta đang sống trong tình hình khắc nghiệt… Đây là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong thế kỷ qua", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Sanchez nói trong cuộc họp báo ngày 25-10 sau cuộc họp nội các Tây Ban Nha.
Ông cho biết tình hình thực tế cho thấy Tây Ban Nha và cả châu Âu đang chìm vào làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.
Cụ thể, các biện pháp chống dịch trong tình hình khẩn cấp sẽ áp dụng ngay từ tối 25-10 và tất cả khu vực ở Tây Ban Nha, trừ quần đảo Canary, phải áp dụng lệnh giới nghiêm từ 23h đêm đến 6h sáng hôm sau.
Những trường hợp ngoại lệ được phép ra đường như đi làm, mua thuốc, chăm sóc người già hoặc trẻ em. Việc tụ tập nơi công cộng lẫn nhà riêng bị hạn chế dưới 6 người nếu không sống cùng nhà, trong khi việc đi lại giữa các khu vực cũng bị cấm.
Thủ tướng Sanchez cho biết ông sẽ yêu cầu Quốc hội chấp thuận kéo dài tình trạng khẩn cấp từ 15 ngày lên 6 tháng.
Tây Ban Nha là một trong những nước sớm áp dụng phong tỏa cứng rắn hồi đầu năm nay nhưng bắt đầu nới lỏng các biện pháp từ mùa hè. Chính quyền nước này muốn tránh việc tái phong tỏa lần thứ hai nhằm bảo vệ nền kinh tế.
Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh kể từ tháng 8-2020 khiến các chuyên gia cảnh báo cần có các biện pháp chống dịch toàn quốc. Nhiều chính quyền địa phương ở Tây Ban Nha thời gian qua cũng kêu gọi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Ngày 21-10, Tây Ban Nha đã trở thành nước đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc COVID-19. Hiện nước này cũng là một trong những quốc gia Tây Âu có số ca mắc cao nhất với tổng cộng ca 1.110.372 ca, trong đó có 34.752 ca tử vong.
Trước Tây Ban Nha, Pháp cũng đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ 21h tối đến 6h sáng tại nhiều thành phố lớn và khu vực từ tuần này.
Nhiều nước châu Âu khác cũng đang đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch COVID-19. Ngày 25-10, số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Lan tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, với hơn 10.203 ca trong 24 giờ qua. Như vậy, quốc gia Tây Bắc châu Âu này đã ghi nhận tổng cộng 291.254 ca mắc, trong đó có 7.046 tử vong.
Tại Slovakia, Bộ Y tế ngày 25-10 cũng công bố thêm 3.042 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới tại nước này tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đến nay, Slovakia có tổng cộng 43.843 ca mắc, trong đó có 159 ca tử vong.
TTO - Số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 ngày, lần đầu tiên vượt mốc 200.000 ca nhiễm mới hôm 22-10.
Xem thêm: mth.51740813252010202-91-divoc-hcid-gnohc-ed-cut-pal-yagn-med-nab-meihgn-ioig-ahn-nab-yat/nv.ertiout