Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai cùng nhà thiết kế Sĩ Hoàng dẫn chuyện. Vừa trở về sau sự kiện biểu diễn áo dài Việt tại Úc, ông Sĩ Hoàng kể có cả chính trị gia Úc đặt hàng ông thiết kế áo dài vì muốn mặc khi đến Việt Nam.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng nói trang phục có giá trị văn hóa truyền thống lâu đời ấy gắn liền với lịch sử đất nước nên cần được lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng, đặc biệt với thế hệ trẻ. Đó cũng là trang phục nặng tình nên ông cẩn trọng trong từng thiết kế.
Với ông, mặc áo dài còn là trách nhiệm công dân vì thể hiện chủ quyền trang phục nước nhà, tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc Việt.
Thường đi dạy, làm diễn giả, bà Lý Thị Mai nói mình luôn chọn áo dài. Khi đi công tác nước ngoài, bà Mai nói thấy rõ yếu tố văn hóa của trang phục quan trọng vô cùng.
"Văn hóa mặc áo dài ngày nay rất cần được lan tỏa. Có người hỏi có lo lắng gì về sự cách tân áo dài hay không nhưng tôi cho rằng chúng ta có sự cách tân phù hợp, ngày càng đa dạng mẫu mã, phong phú chất liệu mà ai mặc cũng đẹp, thấy tự hào với tà áo truyền thống" - bà Mai chia sẻ.
Điều cả hai diễn giả ấy đồng thuận chính là mỗi người Việt đều có thể là đại sứ của chiếc áo dài. Theo bà Mai, mỗi bạn trẻ sẽ góp phần lan tỏa tình yêu áo dài đến cộng đồng. Còn ông Sĩ Hoàng mong các bạn tìm hiểu kiến thức về áo dài để càng thêm yêu trang phục truyền thống ấy.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà giáo Đoàn Thị Liệp kể bà luôn dùng tà áo dài của mình để vẽ những chủ đề gắn với tác phẩm văn học lúc còn đi dạy. Điều này giúp bài giảng sinh động, truyền tình yêu với tà áo dài đến học sinh. Nhiều năm qua, cô giáo nghỉ hưu ấy vẫn bền bỉ vận động nhiều người góp áo dài tặng học trò vùng sâu vùng xa.
Và áo dài không chỉ quen thuộc với nữ giới mà nam giới cũng chọn mặc trong nhiều sự kiện, xuống phố dịp lễ hội, cưới hỏi. Từng hành động nhỏ ấy vẫn âm thầm đưa tà áo dài truyền thống nước Việt đi xa với tất cả niềm tự hào.
15 bộ sưu tập áo dài mới của các nhà thiết kế tên tuổi trình diễn trong đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM 2024.