Salvador Rovira-Llorens là người đứng đầu bộ phận bảo tồn hiện đã nghỉ hưu của Bảo tàng Khảo cổ quốc gia Tây Ban Nha. Ông cùng một nhóm các nhà khoa học đã có phát hiện mới đáng kinh ngạc từ kho vàng của Villena nổi tiếng.
Được biết, đây là kho báu được khai quật vào năm 1963 tại khu vực ngày nay là Alicante của Tây Ban Nha, với 66 vật thể chủ yếu bằng vàng. Một số vật phẩm có thể kể đến là chai lọ, bát và đồ trang sức được chế tác hết sức tinh xảo.
Các cuộc phân tích cho thấy chúng không chỉ quý giá vì bằng vàng, mà còn có niên đại lên tới 3.000 năm và là một trong những minh chứng quan trọng nhất về nghề kim hoàn trong thời đại đồ đồng ở khu vực này, theo thông tin trên trang Science Alert đăng tải.
Tuy nhiên, việc xác định tuổi của kho báu đã gặp rắc rối do xuất hiện 2 “vật thể kỳ lạ”: Một cái hình bán cầu nhỏ, rỗng, có thể từng được gắn trên đầu vương trượng và cái thứ hai được cho là giống một chiếc vòng tay.
Chúng đã bị rỉ sét theo thời gian và có thể làm bằng sắt, theo một vài nghiên cứu. Tuy nhiên, thời đại đồ sắt chỉ bắt đầu ở bán đảo Iberia vào khoảng năm 850 trước Công nguyên. Trong khi đó, các vật liệu vàng tạo nên hai món đồ này lại có niên đại tận năm 1500-1200 trước Công nguyên. Vì thế, việc tìm ra các hiện vật “lạ” này trong kho báu là một điều khó hiểu.
Các nhà khoa học đã cẩn thận lấy mẫu của cả hai hiện vật đem đi xác định thành phần. Mặc dù mức độ ăn mòn cao nhưng kết quả đã cho thấy 2 vật phẩm được làm từ sắt thiên thạch (meteoric iron). Sắt thiên thạch có hàm lượng niken cao hơn nhiều so với sắt khai thác từ lòng đất.
Ngoài ra, theo Live Science, nghiên cứu mới công bố vào tháng 12/2023 trên tạp chí Trabajos de Prehistoria đã chỉ ra rằng, sắt được sử dụng để tạo nên hai hiện vật kỳ lạ có nguồn gốc từ một thiên thạch rơi xuống Trái đất khoảng 1 triệu năm trước.
Dữ liệu cho thấy cả chiếc mũ và vòng tay từ kho báu của Villena là những hiện vật đầu tiên sở hữu thành phần quý giá “từ bên ngoài Trái đất” vào thời điểm đó.
Thế giới cũng từng ghi nhận một vài trường hợp phát hiện các hiện vật ngoài “Trái đất”. Tại Bắc Phi, người Ai Cập cũng bị hấp dẫn bởi thiên thạch và hiện vật nổi tiếng nhất là một con dao giàu sắt thiên thạch của Pharaoh Tutankhamun.
Tham khảo Live Science, Science Alert