10 năm đã trôi qua kể từ vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (8-3-2014 - 8-3-2024) - một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử hàng không thế giới.
Các mốc thời gian chính trong cuộc tìm kiếm MH370 theo tổng hợp tháng 3-2024 của báo Guardian:
Ngày 8-3-2014: Chiếc Boeing 777 rời Kuala Lumpur, Malaysia lúc 0h41 (giờ địa phương), dự kiến hạ cánh tại Bắc Kinh lúc 6h30. Chuyến bay mang số hiệu MH370 có 277 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Máy bay được nhìn thấy lần cuối trên radar vào khoảng 2h14, hướng về phía tây qua eo biển Malacca. Nửa giờ sau, hãng hàng không thông báo mất liên lạc với máy bay.
Ngày 9-3-2014: Nỗ lực tìm kiếm tập trung ở vịnh Thái Lan. Có thông tin cho rằng 2 hành khách trên chuyến bay sử dụng hộ chiếu châu Âu bị đánh cắp, làm dấy lên lo ngại về một vụ khủng bố. Các nhà chức trách sau đó bác thông tin có hành khách liên quan đến khủng bố.
Ngày 10-3-2014: Các nỗ lực tìm kiếm trong khu vực có bán kính 50 hải lý tính từ vị trí cuối cùng máy bay được ghi nhận, cũng như ở phía bắc eo biển Malacca. Một máy bay Việt Nam đã phát hiện một vật thể hình chữ nhật được cho là một cửa máy bay.
Cuộc tìm kiếm ở biển Andaman không gặt hái được kết quả nào. Bắt đầu xuất hiện bằng chứng MH370 đã bay về phía tây sau khi mất liên lạc với kiểm soát viên không lưu.
Ngày 15-3-2014: Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Najib Razak cho biết MH370 đã cố tình chuyển hướng và tiếp tục bay hơn 6 tiếng sau khi mất liên lạc. Cuộc tìm kiếm được mở rộng từ Trung Á tới Nam Ấn Độ Dương, đồng thời các nhà chức trách cũng tiến hành khám xét nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid.
Ngày 24-3-2014: Gia đình của các hành khách trên chuyến bay MH370 tuần hành tới Đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh để yêu cầu câu trả lời, sau khi các nhà chức trách kết luận rằng máy bay đã rơi ở Ấn Độ Dương khiến toàn bộ 239 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngày 24-4-2014: Giai đoạn tìm kiếm và cứu hộ chuyển sang giai đoạn tìm kiếm và thu hồi. Các cuộc tìm kiếm dưới nước sử dụng phương tiện tự hành nhanh chóng được bắt đầu, bao phủ một khu vực dài khoảng 692km và rộng khoảng 80km.
Ngày 26-6-2014: Chính quyền Úc công bố báo cáo sơ bộ, đưa ra giả thuyết máy bay đã bay ở chế độ lái tự động sau một sự cố thảm khốc, dẫn đến việc phi hành đoàn "không còn khả năng làm nhiệm vụ", có thể do thiếu oxy.
Tháng 10-2014: Cuộc tìm kiếm dưới nước mới bắt đầu. Các tàu kéo thiết bị sonar qua khu vực cách đáy biển khoảng 100m để tìm kiếm các mảnh vỡ.
Tháng 1-2015: Một cơ trưởng Boeing 777 có tên Simon Hardy cho rằng "nơi an nghỉ" của MH370 là ở ngay bên ngoài rìa phía tây nam của khu vực tập trung tìm kiếm ở Ấn Độ Dương.
Ngày 28-1-2015: 327 ngày sau khi MH370 mất tích, Malaysia chính thức tuyên bố đó là một tai nạn và những người trên máy bay đã thiệt mạng. Kết luận cho biết máy bay đã cạn nhiên liệu "trên một khu vực xác định ở phía Nam Ấn Độ Dương".
Ngày 23-7-2015: Cục An toàn giao thông vận tải Úc tuyên bố sẽ tìm ra máy bay trong vòng hai năm. Hai tàu tìm kiếm tiếp tục hoạt động ở phía Nam Ấn Độ Dương.
Ngày 5-8-2015: Malaysia thông báo một phần của cánh máy bay trôi dạt vào đảo Réunion của Pháp ở Ấn Độ Dương thuộc về MH370 - dấu vết đầu tiên được tìm thấy.
Cũng trong tháng này, Pháp triển khai tìm kiếm các mảnh vỡ từ trên không và trên biển xung quanh đảo Réunion. Cuộc tìm kiếm kết thúc sau 10 ngày.
Maldives cũng tham gia tìm kiếm mảnh vỡ của MH370 trong khu vực sau khi có thông tin người dân tìm thấy những mảnh vỡ không xác định (mảnh vỡ sau đó được xác nhận không liên quan đến MH370).
Tháng 3-2016: Chính phủ Úc cho biết hai mảnh vỡ được tìm thấy ở Mozambique (ở châu Phi) "rất có thể đến từ MH370", sau khi phân tích cho thấy cả hai mảnh vỡ đều khớp với dòng máy bay Boeing 777.
Ngày 16-5-2016: Úc cho biết cơ hội tìm thấy chiếc máy bay đang giảm dần. Hơn 105.000km2 đáy biển ở phía Nam Ấn Độ Dương đã được lùng sục và chỉ còn khoảng 15.000km2 chưa được tìm kiếm.
Tháng 9 và 10-2016: Các mảnh vỡ trên đảo Pemba, ngoài khơi Tanzania và ở Mauritius - phát hiện từ tháng 5 và 6 - được xác nhận thuộc về MH370.
Tháng 12-2016: Gia đình của những hành khách trên MH370 tiến hành tìm kiếm các mảnh vỡ ở các bãi biển Madagascar.
Tháng 1-2017: Úc, Trung Quốc và Malaysia tuyên bố kết thúc tìm kiếm dưới nước. Cuộc tìm kiếm kéo dài hơn 2 năm tiêu tốn hơn 130 triệu USD.
Tháng 1-2018: Nỗ lực tìm kiếm MH370 được tiếp tục. Công ty Ocean Infinity của Mỹ thỏa thuận sẽ không nhận 70 triệu USD tiền công từ Malaysia nếu không tìm thấy máy bay.
Tháng 7-2018: Một báo cáo điều tra chính thức được công bố ở Malaysia, kết luận máy bay đã chủ động quay đầu trên không thay vì đi theo lịch trình đã định, không loại trừ "sự can thiệp bất hợp pháp của bên thứ ba".
Báo cáo bác giả thuyết phi công đã cố tình lao máy bay xuống và loại trừ nguyên nhân hỏng hóc kỹ thuật.
Malaysia cân nhắc mở lại điều tra MH370
Suốt 10 năm qua, đã có rất nhiều giả thuyết ly kỳ được đưa ra về vụ mất tích bí ẩn của MH370, cùng với các tuyên bố xác định được vị trí máy bay. Song tung tích máy bay và số phận của các hành khách cùng phi hành đoàn vẫn là ẩn số.
Năm 2023, chuyên gia độc lập về hàng không vũ trụ Richard Godfrey tuyên bố xác định được các mảnh vỡ được tìm thấy ở Madagascar thuộc về MH370. Tổng cộng, có hơn 40 mảnh vỡ đã được xác nhận là của MH370, theo trang mh370search.com.
Hôm 3-3, báo Nikkei Asia đưa tin Chính phủ Malaysia tuyên bố sẵn sàng nối lại kế hoạch tìm kiếm MH370. Giới chức cũng tiết lộ đã mời Công ty Ocean Infinity thảo luận về cuộc tìm kiếm mới.
Tính đến nay, người thân của hơn 150 hành khách có mặt trên chuyến bay đã đệ đơn yêu cầu hãng Malaysia Airlines, nhà sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce và tập đoàn bảo hiểm Allianz bồi thường, theo Hãng tin Reuters.
Trong vụ kiện đòi bồi thường hàng triệu USD, gia đình các nạn nhân Trung Quốc trong vụ rơi máy bay MH370 kêu gọi mở cuộc tìm kiếm mới đối với vụ tai nạn gần 10 năm trước.