Những dãy "nhà trọ bình dân" chật chội gần Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (P.Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM) là nơi tạm bợ của nhiều người mắc bệnh ung thư quái ác. Những người bệnh đủ các lứa tuổi, họ đến từ nhiều địa phương khác nhau nhưng hầu hết đều có chung hoàn cảnh nghèo khó và phải chiến đấu mỗi ngày để kéo dài sự sống. Một tuần, mỗi người phải đến bệnh viện xạ, hóa trị, khám bệnh 3 - 4 lần.
Ngủ ở hành lang bệnh viện
13 giờ trưa, ngày 4.3, trời nắng gay gắt, chúng tôi tìm đến khu nhà trọ nằm trong một con hẻm đường 225A, cách Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 khoảng 2 km. Con đường dẫn vào dãy nhà trọ chật hẹp, chi chít "ổ gà, ổ voi".
Những ngày này, nắng nóng 36 độ C đã khiến nhiều bệnh nhân ở "xóm ung thư" gần như kiệt sức
UYỂN NHI
Ở trong căn phòng gần cuối hẻm, bà Lê Thị Nga (60 tuổi, quê Tân Hồng, Đồng Tháp) đang phe phẩy chiếc quạt dưới cái nóng ngộp thở. Tiếng thở dài nặng nhọc, bà cho biết bà đã mất ngủ mấy hôm nay vì nắng nóng. Bà nói bản thân ốm yếu, ung thư vú nên mỗi đợt nắng nóng bà lại lên cơn khó thở, chân tay bủn rủn, sức khỏe càng trở nên yếu hơn.
"Trời nóng bức nên trong người lúc nào cũng khó chịu. Ngồi ngoài sân thì không chịu được nắng, mà ở trong nhà thì hầm hập, bí bách không thở nổi. Mỗi lần đi điều trị về người tôi cứ lả đi vì mệt mỏi. Nhiều hôm nóng quá tôi tranh thủ chợp mắt ở hành lang bệnh viện. Còn ban đêm, 1 giờ sáng tôi đem ghế ra sân ngồi hứng gió", bà Nga chia sẻ.
Theo bà Nga, những phòng trọ có máy lạnh giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Với giá này, những bệnh nhân nghèo như bà khó có thể chi trả.
Bà Nga kể 10 tháng trước, bà rong ruổi đến TP.HCM chạy chữa bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Sau vài lần xạ trị, tóc bà rụng hết. Dường như bà chưa quen với cái đầu đã rụng hết tóc của mình, bà cứ xoa xoa đầu, cảm thấy ngại khi có người hỏi thăm.
Bà Nga cho hay bà sống cùng 1 người con trai và 1 cháu nội. Hai vợ chồng chia tay nhau, bà nuôi cháu từ khi lọt lòng, đến nay đã học lớp 2. Con trai bà làm công nhân tại công ty ở tỉnh Vĩnh Long, nhưng vì thường xuyên lên TP.HCM chăm sóc mẹ nên bị đuổi việc cách đây vài tháng. Nghỉ việc, anh về quê làm mướn, ai thuê gì làm đó, thu nhập bấp bênh, mỗi ngày kiếm 100.000 - 200.000 đồng. Nên để xoay sở chữa trị suốt thời gian qua, bà Nga phải chạy vạy khắp nơi.
Đến TP.HCM, mỗi ngày bà thuê nhà trọ gần bệnh viện, giường tầng, giá 50.000 đồng/ngày. Để tiết kiệm chi phí, mỗi ngày bà thường đi xin cơm từ thiện hoặc có gì ăn đó. Những lần xạ trị về mệt ăn ngủ không được, chủ nhà trọ thương tình nấu cho bát cháo và rồi biết được hoàn cảnh của khách, có những ngày chủ nhà cho bà Nga ở.. miễn phí. Dành dụm được chút tiền, những ngày nghỉ sau khi vô thuốc, bà Nga bắt xe về quê thăm cháu nội.
Gần 1 năm qua là những ngày tháng bà Nga mệt mỏi, đau đớn, hết hy vọng lại tuyệt vọng. "Nhà tôi nghèo khó, bệnh hoạn không đi làm được gì, nhiều khi tôi muốn bỏ cuộc. May mà có bà con hàng xóm quan tâm, động viên mà sống qua ngày đến hôm nay. Tôi sợ đứa cháu bơ vơ, ăn học không đàng hoàng rồi khổ. Tôi mong hết bệnh để sớm về với cháu. Mà hoàn cảnh tôi vậy, sợ không theo nổi quá trình điều trị vì tôi còn nhiều đợt hóa chất nữa..", bà gạt nước mắt, nói.
Bám trụ trong phòng 4 mét vuông
Cách phòng bà Nga không xa, nằm ở đầu dãy trọ, là nơi ở của mẹ con chị Nep Channy (40 tuổi, quê Phnom Penh, Campuchia). Chị mới từ bệnh viện trở về, mái tóc tém, dáng đi xiêu vẹo, rã rời lê bước chân nặng nhọc.
Bà Lai Heng (70 tuổi) mẹ chị Nep Channy đang chuẩn bị dầu xoa bóp cho con. Căn phòng chừng 4 mét vuông, giá thuê 100.000 đồng/ngày. Dễ thấy nhất là chiếc quạt gió vì những ngày thời tiết nắng oi bức, căn phòng lợp tôn nóng hầm hập. 2 mẹ con chị dọn giường xếp ra hành lang nằm… cho mát.
Nắng nóng kéo dài, phòng chật chội khiến 2 mẹ con chị Nep Channy không ngủ được, ban đêm bà Lai Heng phải xuống sàn nằm ngủ. Hỏi có bao giờ 2 mẹ con muốn đổi phòng khác để có không gian sinh sống rộng rãi hơn không, thì chị lắc đầu nói: "Đối với người bệnh, giấc ngủ rất quan trọng nhưng tiền đâu mà chuyển đi chỗ khác, đành chịu vậy, được ngày nào hay ngày đó".
Nhiều tháng điều trị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối ở quê nhà, chị được người quen giới thiệu, sau khi tìm hiểu chị Nep Channy sang Việt Nam chữa trị vào tháng 12.2023.
Ở quê, chị Nep Channy làm công nhân, chị sống cùng chồng và 4 người con (3 gái, 1 trai). Cả gia đình đều đi làm thêm ở công ty, gói ghém chút tiền cho chị sang Việt Nam chữa trị. Mỗi ngày chi phí nhà trọ, sinh hoạt, thuốc thang…, tốn khoảng 500.000 đồng/ngày. Chưa kể những ngày đi bệnh viện, chị thuê phiên dịch tiếng Việt giá 500.000 đồng. Mấy tháng nay, chị phải vay mượn khắp nơi, cầm cố tài sản để trị bệnh.
Chị Nep Channy mong thời gian tới có tiền để theo đến cùng với toa điều trị, sức khỏe hồi phục để sớm về nhà với gia đình. "Tôi nhớ nhà và chồng con lắm nhưng phải cố, nhiều khi thấy mẹ ngồi khóc hoài cũng thương. Thôi thì phải cố gắng, chiến đấu đến cùng", chị nói.
Tuy nóng bức nhưng ít ra các bệnh nhân còn có chỗ nghỉ ngơi sau những đợt vào hóa chất. Mà cũng không phải ai muốn ở trọ cũng được bởi không ít người phải vạ vật vỉa hè, ghế đá, gốc cây. Ngồi một góc bệnh viện, bà Lưu Thị Thu Loan (59 tuổi, quê Long An) ăn vội hộp cơm.
Ở quê bà không có nhà, ba mẹ mất sớm nên bà làm mướn để mưu sinh. Năm 18 tuổi, bà phát hiện mình có khối u nhỏ rồi khối u lớn dần, chuyển xuống hàm mặt. Lúc đó gia đình nghèo, không có tiền chạy chữa nên cục bướu nằm trên mặt bà Loan suốt 41 năm qua.
Tháng 1.2024, khi bà thấy mình đau nhức kinh khủng ở phần xương chậu và lưng dưới, bà đi bệnh viện thăm khám và nhận hung tin từ bác sĩ Bệnh viện Ung bướu, "bác sĩ báo… ung thư giai đoạn cuối".
Bà tâm sự: "Tôi nghèo, không có đất đai, nhà cửa gì hết. May có các cô chú ở bệnh viện giúp đỡ tôi mới sống qua ngày đến hôm nay. Hôm nay tôi tính bắt xe về quê, nhưng tiền bạc không có, phải đi xin".
Hỏi về những ngày nắng nóng ở TP.HCM, bà nói: "Nắng nóng khiến tôi mệt rã người, nhiều khi muốn xỉu. Vì không có chi phí nên buổi trưa tôi ngủ ở bệnh viện còn ban đêm ngủ ở vỉa hè".
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là cơ sở khám bệnh chuyên khoa ung bướu hàng đầu tại thành phố và chịu trách nhiệm chỉ đạo tuyến khu vực phía nam.
Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu được chính thức khởi công ngày 26.6.2016, quy mô 1.000 giường bệnh. 4 năm sau (12.10.2020), bệnh viện chính thức đưa khu khám bệnh đi vào hoạt động nhằm giải quyết tình trạng quá tải nặng nề tại cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 (số 3 Nơ Trang Long, P.7, Q.Bình Thạnh).
Tháng 6.2021, khu hóa trị trong ngày tại cơ sở 2 tiếp tục đưa vào hoạt động. Ngày 27.1.2023, toàn bộ cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu chính thức đi vào hoạt động với 16 phòng mổ hiện đại, máy móc kỹ thuật cao. Hiện cơ sở hoạt động tất cả các khoa.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 khám, chữa bệnh ung thư cho người dân trong và ngoài khu vực TP.HCM. Giờ khám bệnh hành chính bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30. Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, năm 2023, cơ sở 2 tiếp nhận hơn 151.000 người bệnh đến khám bệnh.