Như đã thông tin, chiều 4/3, taxi do anh T. (44 tuổi) điều khiển va chạm với xe máy của Trần Duy Quang (21 tuổi, quê Thanh Hóa) tại khu vực gần Thung lũng hoa Hồ Tây, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội). Trong lúc đôi bên cự cãi, anh T. mở cốp ô tô lấy một vật dài khoảng 40 cm đuổi đánh Quang.
Bị tấn công, nam thanh niên dùng tay đỡ, đấm vào mặt đối phương rồi lấy mũ bảo hiểm đập vào đầu anh T. Tới ngày 5/3, nạn nhân tử vong do xuất huyết não.
Công an quận Tây Hồ đang tạm giữ hình sự đối với Quang để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.
Vụ việc đang nhận được sự quan tâm từ dư luận suốt nhiều ngày qua, không chỉ vì hậu quả để lại, mà còn bởi những bài học về cách ứng xử nếu không may xảy ra va chạm giao thông.
Có phải phòng vệ chính đáng?
Nhiều người thắc mắc rằng, theo như thông tin từ phía cơ quan công an cung cấp, ông T. là người tấn công trước, Quang chống đỡ rồi mới tấn công lại. Vậy, trường hợp này có được xem là phòng vệ chính đáng?
Luật sư (LS) Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng LS Chính Pháp, Đoàn LS Tp.Hà Nội, cho biết mọi công dân đều được quyền phòng vệ chính đáng. Nhưng cần hiểu rằng phòng vệ chính đáng nghĩa là "chống trả lại một cách cần thiết" để triệt tiêu vũ lực của người đang có hành vi gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của mình, chứ không nhằm mục đích gây thương tích cho họ.
Bộ luật Hình sự quy định rõ, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm; ngược lại, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật này.
Trở lại vụ án nêu trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trước khi tài xế taxi sử dụng vật tày để đánh tài xế xe máy thì hai bên đã có những hành vi thế nào, ý chí là gì, có nhằm mục đích gây thương tích cho nhau hay không…
Ngoài ra, tài xế xe máy dùng vũ lực với mục đích triệt tiêu đòn tấn công của tài xế taxi hay nhằm gây thương tích cho đối phương (nạn nhân đã tử vong), đánh mấy lần, đánh vào đâu, chiếc mũ bảo hiểm có độ cứng như thế nào…
Với những thông tin đã được công bố, có thể thấy cơ quan điều tra xác định tài xế xe máy dùng vũ lực là để gây thương tích cho đối phương, bản chất vụ việc là đánh nhau nơi công cộng, chứ không phải phòng vệ.
Vì thế, tài xế xe máy đang bị cáo buộc cố ý gây ra thương tích khiến nạn nhân tử vong. Tuy vậy, khi thực hiện hành vi, tài xế xe máy không nhận thức được có thể dẫn đến chết người, không mong muốn hậu quả xảy ra, nên bị điều tra về tội cố ý gây thương tích chứ không phải tội giết người.
Bài học đắt giá về ứng xử khi tham gia giao thông
Vẫn theo LS Đặng Văn Cường, đây là vụ án phức tạp, liên quan đến hành vi của cả hai bên, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ.
Có thể thấy rằng tài xế taxi cũng có lỗi một phần khi dùng vật tày tấn công tài xế xe máy trước. Nếu còn sống, tài xế taxi có thể sẽ bị xem xét xử lý về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng. Trong vụ việc này, nạn nhân đã tử vong nên lỗi của nạn nhân (nếu có) sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho tài xế xe máy.
Vị LS nhận định, vụ án là bài học đối với hành vi ứng xử thiếu kiềm chế cảm xúc khi tham gia giao thông. Nếu các bên xông vào đánh nhau, cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nhau, thì đã vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất mức độ và hậu quả xảy ra, các bên có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích…; với mức xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng quan điểm, LS Hà Công Tâm, Đoàn LS Tp.Hà Nội, coi vụ án trên là một "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với bất cứ ai đang và sẽ tham gia giao thông.
"Mỗi người cần giữ cho mình một "cái đầu lạnh" khi cầm lái. Nếu không may xảy ra va chạm, điều tốt nhất là các bên cần bình tĩnh, cùng nhau giải quyết trong ôn hòa. Nắm đấm sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp, thay vào đó là những tổn thất về tinh thần, sức khỏe, hoặc là vòng lao lý", LS Tâm khuyến cáo.
Quỳnh Chi (t/h)