Điều đặc biệt, số liệu báo cáo của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong suốt hai năm 2022 và 2023 đều thể hiện vị trí "không thay đổi" này và thậm chí số lượng năm sau cao hơn năm trước nhiều lần. Câu chuyện này nói lên điều gì?
Khám và nhập viện đều tăng
TS.BS Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết trong năm 2023 có hơn 82% bệnh nhân khám chữa bệnh tại đơn vị đến từ các tỉnh thành trong cả nước.
Trong đó, đặc biệt đáng lưu ý có bệnh nhân từ 13 tỉnh miền Tây chiếm một con số khá lớn, gần 38%.
Theo số liệu mà bác sĩ Tuấn cung cấp, 4 tỉnh có số lượt bệnh nhân đến khám đông nhất năm 2023, gồm Long An trên 36.000 người/năm, Tiền Giang trên 34.000 người/năm, An Giang trên 19.000 người/năm và Đồng Tháp trên 27.000 người/năm.
Và đây cũng là 4 tỉnh có tỉ lệ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Ung bướu đông nhất với trên 2.000 ca mỗi năm (trên 10%).
Tỉ lệ này kéo theo số người phải thực hiện phẫu thuật, điều trị nội khoa toàn thân (hóa trị, nhắm trúng đích, miễn dịch) và xạ trị của 13 tỉnh miền Tây khá cao, chiếm từ 32 - 34% các loại dịch vụ.
Một điều đáng quan tâm là số lượng người khám và điều trị ung thư của 13 tỉnh miền Tây có xu hướng tăng theo từng năm.
So với năm 2022, số lượt khám năm 2023 tăng xấp xỉ từ khoảng 1.000 - 10.000 người/tỉnh; số người nhập viện điều trị cũng tăng từ vài trăm người đến cả ngàn người/tỉnh.
Bên cạnh các tỉnh "đội sổ", chỉ có Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang là địa phương có số lượt khám và nhập viện điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thấp nhất, dưới 10.000 lượt đi khám/năm và dưới 1.000 người nhập viện điều trị/năm.
Điều này theo các chuyên gia cũng khá dễ hiểu, bởi khu vực này có một số bệnh viện chuyên khoa về ung bướu.
Ưu tiên "đánh chặn" từ xa
Số lượt khám và nhập viện điều trị ung bướu đều tăng như trên nói lên vấn đề gì? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS Diệp Bảo Tuấn cho rằng vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và để xác định rõ nguyên nhân cần phải nghiên cứu sâu về xã hội học.
"Chúng tôi cung cấp con số này dựa trên chuyên môn làm công tác lâm sàng. Việc ghi nhận số lượt khám và nhập viện điều trị tăng giúp chúng tôi có các chiến lược phù hợp, chủ động hơn", TS.BS Tuấn chia sẻ.
Còn theo một chuyên gia lâu năm về ung bướu có nhiều nguyên nhân, có thể do dân số tăng mỗi năm, điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn, đường sá đi lại thuận tiện và cũng có thể căn bệnh ung thư có chiều hướng gia tăng gần đây.
"Tôi cho rằng không riêng gì các tỉnh miền Tây, mà cả nước, thậm chí các quốc gia khác khi có thống kê đầy đủ thì câu chuyện về lượt khám và nhập viện điều trị đều tăng.
Vấn đề đặt ra là giải pháp về phòng ngừa, điều trị cần phải được nâng cấp ngày tốt hơn, giảm chi phí đi lại cũng như điều trị cho người bệnh", vị chuyên gia này phân tích.
Đây cũng là vấn đề mà vừa qua ngành y tế TP.HCM đặc biệt quan tâm, trong đó để "đánh chặn" từ xa lượng bệnh đổ về gây quá tải, TP.HCM chủ động tổ chức nhiều hội nghị liên kết vùng hình thành mạng lưới điều trị ung thư.
Theo một lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu, dù được đầu tư cơ sở 2 (TP Thủ Đức) hiện đại, công suất cao nhưng đang có dấu hiệu quá tải khi lượt khám, điều trị ngày một tăng.
Trong khi đó, mạng lưới chẩn đoán, điều trị ung thư ở các tỉnh miền Tây khá hạn chế khi 13 tỉnh chỉ có 2 bệnh viện chuyên khoa ung bướu, 9 khoa ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh và 2 đơn vị ung bướu thuộc khoa lâm sàng trong bệnh viện đa khoa tỉnh.
Chưa kể một số bệnh viện ở miền Tây có dấu hiệu quá tải như Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre...
"Vai trò liên kết vùng trong điều trị ung thư ngày càng quan trọng. Với vai trò là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về ung thư khu vực phía Nam, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho các tỉnh miền Tây trong đào tạo nhân lực chẩn đoán và điều trị ung thư.
Cụ thể sẽ hỗ trợ điều trị ca khó, chuyển giao kỹ thuật, phân tích các kết quả và hội chẩn trực tuyến...", TS.BS Phạm Xuân Dũng, giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nói.
Miền Tây và Đông Nam Bộ chiếm 55%
Ngoài các tỉnh miền Tây, theo thống kê từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị của các tỉnh Đông Nam Bộ cũng khá cao, chiếm khoảng 21% mỗi dịch vụ.
Năm 2023, tại khu vực Đông Nam Bộ, Đồng Nai và Bình Dương là 2 tỉnh dẫn đầu lượt khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Ung bướu.
Dù đều có lượt khám trên 41.000/lượt/năm nhưng số người nhập viện điều trị của Đồng Nai lại cao hơn gấp đôi Bình Dương (4.419/2.135 người).
Theo số liệu thống kê, tổng số lượt điều trị (bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) của khu vực miền Tây và các tỉnh miền Đông Nam Bộ chiếm 55% tổng số lượt điều trị tại Bệnh viện Ung bướu trong năm 2023.
Nhiều người lo lắng, hoảng sợ và không có phương hướng giải quyết khi chỉ số xét nghiệm chỉ điểm ung thư tăng cao. Vậy phải làm gì để phát hiện ung thư và đưa chỉ số về giới hạn cho phép?