Sóng chưa xuất hiện
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng nhà đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc Đại lục tìm kiếm địa điểm thuê khu công nghiệp tại Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng chủ yếu được thực hiện thông qua các đơn vị trung gian, đơn vị tư vấn, nghiên cứu thị trường trước, có thể các nhà đầu tư này sẽ sang sau khi thấy điều kiện thuận lợi và chín muồi hơn.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp Trung Quốc có vốn đầu tư ra nước ngoài cũng phải hoàn thành các thủ tục theo quy định từ chính phủ nước này, nên kể cả việc mở cửa diễn ra thì cũng cần có thời gian, có thể phải tới cuối quý II/2023 mới rõ ràng hơn”, đại diện IDICO nói.
Còn đại diện một chủ đầu tư khu công nghiệp tầm trung tại Thái Nguyên cho hay, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn có thể giúp Việt Nam tăng thu hút đầu tư FDI cho năm 2023, khi số lượng nhà đầu tư từ nước này sang làm khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội sẽ nhiều hơn và là hoạt động thực tế, thay vì thực hiện online hay qua các nguồn tin, đơn vị trung gian khác như trước đây.
Theo vị đại diện doanh nghiệp trên, dù kinh tế suy thoái hay không thì các doanh nghiệp vẫn có những đơn hàng sản xuất ở tất cả các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân, nhưng sang năm 2023, rõ ràng khối lượng đã giảm nhiều. Điểm sáng từ đầu năm đến nay là nhu cầu khảo sát, tìm thuê nhà xưởng, kho bãi đã tăng đáng kể so với năm 2022.
“Nhu cầu đầu tư tuy có sự cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét, bởi từ khi khảo sát đến lúc ra quyết định đầu tư cần ít nhất vài tháng. Cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại thì năm nay, khả năng khởi sắc của các khu công nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn nhưng sẽ có độ trễ nhất định, chứ không ngay lập tức diễn ra”, vị đại diện doanh nghiệp trên nói và cho biết thêm, các mối quan tâm hiện thời chủ yếu ở trạng thái “dạm hỏi” và đang trong quá trình quan sát, cân nhắc, vì giới đầu tư sẽ chỉ thực sự xuống tiền khi nhận biết cơ hội rõ ràng, bởi việc dịch chuyển nhà máy hoặc xây mới là một khoản đầu tư không hề nhỏ, gắn với một chiến lược phát triển dài hơi.
Chờ bùng nổ
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Minh Huân, Giám đốc Kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, TNI Holdings Vietnam cho rằng, năm 2023 đến cùng với nhiều biến số ảnh hưởng tới thị trường bất động sản khu công nghiệp. Theo ông Huân, diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy nhu cầu tìm thuê đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi đã đã giảm đáng kể, các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại hầu hết chỉ thực hiện các chuyến khảo sát, thu thập thông tin thị trường, chưa đi tới quyết định đầu tư.
“Năm 2023, các nhà sản xuất chủ yếu có xu hướng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện hữu, hơn là mở rộng đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái, lạm phát leo thang như hiện nay”, ông Huân nhận định, đồng thời chia sẻ thêm, xác định rõ xu thế chung của thị trường, nên trong năm 2023, TNI Holdings Vietnam sẽ tập trung hoàn thiện, chuẩn bị quỹ đất sạch để đón các nhà đầu tư trong tương lai, đó là 3 khu công nghiệp mới trải từ Bắc vào Nam gồm Khu công nghiệp Sông Lô - Vĩnh Phúc (163 ha), Khu công nghiệp Gia Lộc - Hải Dương (197 ha) và Khu công nghiệp Đông Bình - Vĩnh Long (350 ha).
“Với tầm nhìn hướng tới dài hạn, TNI Holdings Vietnam mong muốn góp phần vào việc khơi thông nguồn cung bất động sản công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa và phát triển công nghiệp bền vững, qua đó thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư FDI phục vụ tăng trưởng xanh, giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương có khu công nghiệp”, ông Huân nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xét về quốc tịch dòng vốn, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 978,4 triệu USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và giảm 42,7% so với cùng kỳ năm trước. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư và gấp 3,85 lần cùng kỳ. Hà Lan đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 369 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển…
Xét về số lượng dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 17,2%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 21,1%) và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (chiếm 30,5%).
Những số liệu trên phần nào cho thấy, các nhà đầu tư Trung Quốc đang khá tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhưng quy mô còn nhỏ (dẫn đầu số dự án mới nhưng chỉ đứng thứ 4 về tổng vốn đầu tư). Điều này được cho là phản ánh khá rõ thực tế khi Trung Quốc còn chưa thực sự mở cửa, cũng như phản ánh quan điểm sẽ có độ trễ nhất định đối với dòng vốn đầu tư từ quốc gia này.
Trong một thống kê khác, tính đến hết tháng 1/2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 19,02 tỷ USD. Tại báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, năm nay, nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 5,2%. Thậm chí, một số nhà kinh tế kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP nước này sẽ lên tới 6%, được hỗ trợ bởi phản ứng với đại dịch được tối ưu hóa của đất nước và các chính sách hỗ trợ hiệu quả, mang lại niềm tin và động lực cho tăng trưởng.
Còn theo thông tin từ Wall Street Journal, nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Mercedes-Benz AG, Volkswagen AG, Apple… đã và đang lên kế hoạch quay trở lại Trung Quốc.
Với cảm hứng lớn từ việc FDI tăng mạnh và thu hút tốt sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, có thể chính các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang băn khoăn với việc dịch chuyển dòng vốn ra ngoài đất nước.
Xem thêm: lmth.172713tsop-peihgn-gnoc-uhk-ioh-mad-iaogn-nov/nv.naohkgnuhchnahnnit.www