Mùa xuân, cung đường nào của Hà Giang cũng đẹp. Đó là sự hùng vĩ vốn có của những dãy núi cao sừng sững. Đó cũng là sự dịu dàng, e ấp nhưng căng tràn sức sống của hoa xuân trên cao nguyên đá.
Bình thường đến Hà Giang, du khách sẽ chọn khám phá cung đường từ TP Hà Giang - Quản Bạ - Đồng Văn - Mèo Vạc và về lại TP Hà Giang. Thế nhưng chúng tôi chọn tận hưởng mùa xuân trên cao nguyên đá bằng cung đường khác.
Điểm đến đầu tiên trong chuyến du xuân Hà Giang của chúng tôi là bản Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên). Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mức nước biển, đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Dao với những ngôi nhà sàn hàng chục năm tuổi có thảm rêu xanh phủ kín mái nhà.
Ở đây, trước cổng mỗi nhà đều có một cây hoa đào, hoa mận hay một vườn hoa cải. Đến bản, bạn tha hồ dựng xe máy ở bên đường mà đi bộ thăm thú. Nếu may mắn, bạn có thể xin lên nhà sàn để thưởng thức trà shan tuyết Vị Xuyên bên bếp lửa.
Rời Xà Phìn, ngày thứ hai chúng tôi qua đến Du Già theo đường quốc lộ 34. Du Già được du khách đánh giá là một trong những cung đường nhất định phải đi khi đến Hà Giang.
Hoa gạo được những chú chim gửi gắm tổ ấm của mình
Bên con đường đèo uốn lượn, bên sườn núi… những cây hoa gạo thân thẳng tắp, trụi lá, tranh nhau tô điểm cho núi rừng bởi sắc hoa hệt như đốm lửa. Sự xuất hiện của loài hoa này bên đường mang đến cảm giác thân quen như một người bạn đồng hành với du khách trên cung đường vắng.
Không chỉ ở Du Già, bên sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc) hoa gạo cũng đã khoe sắc rực rỡ. Vượt qua hẻm Tu Sản một rừng hoa gạo lung linh hiện ra trước mắt khiến du khách không khỏi ngẩn ngơ. Màu nước xanh kỳ lạ của dòng sông với sắc đỏ của hoa gạo như một bức tranh chốn tiên cảnh.
Hoa gạo màu cam, màu đỏ đua nhau khoe sắc bên sông Nho Quế
Chúng tôi nói với nhau rằng người dân ở đây có thể khó khăn về vật chất, nhưng đời sống tinh thần thì không, bởi trong sân, trước cửa ngôi nhà nào cũng có một cây hoa.
Đó có thể là hoa đào, cũng có thể là hoa mận, hoa lê… nhưng cây nào cây nấy toàn hoa là hoa. Phải chăng, những cây này được trồng từ nhỏ, gắn bó với đời sống của chủ nhân ngôi nhà nên hiểu tâm tư tình cảm của chủ mà bung nở rực rỡ làm đẹp cho đời.
Ở Lô Lô Chải (huyện Đồng Văn) cũng vậy. Đấy là ngôi làng nhỏ của người dân tộc Lô Lô ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú. Du lịch phát triển, du khách đến với làng ngày càng đông, cả bản gần như nhà nào cũng mở homestay. Thế nhưng từng gốc cây trong sân nhà, đường làng vẫn được giữ nguyên vẹn.
Dạo bước trên con đường nhỏ trong làng, chúng tôi ngỡ ngàng, ấn tượng bởi hình ảnh một gốc đào siêu lớn bên hàng rào của một ngôi nhà ở giữa bản. Vài đoàn du khách khác cũng mê đắm mà lán lại chiêm ngưỡng, chụp ảnh với cây hoa tuyệt vời này.
Rời Lô Lô Chải, chúng tôi men theo đường cột cờ quốc gia để về nghỉ chân tại làng cổ Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn). Ven đường, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp vài cây đào khoe sắc.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, ngay cạnh các cột mốc bên đường, những cây đào nhỏ mới được người dân ở trồng đã bắt đầu nhú mầm xanh khỏe khoắn. Chắc rằng chỉ vài năm nữa thôi, những cây đào ấy cũng sẽ lớn, cũng sẽ đua nhau làm đẹp cho những bản làng nơi biên cương tổ quốc.
Hoa đào bên thềm nhà, bên những phiến đá tai mèo lởm chởm ở Lao Xa
Rong ruổi, chiêm ngưỡng, cảm nhận khắp các cung đường hoa xuân của Hà Giang, chúng tôi càng chiêm nghiệm một điều.
Thật là chẳng phải ngẫu nhiên mà du khách cứ rỉ tai nhau nhất định phải đến Hà Giang khi xuân tới!
Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, bản Xà Phìn (Hà Giang) mang nét độc đáo có một không hai với những ngôi nhà sàn mái rêu cổ kính.