Động thái của Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy những rắc rối của Haiti chưa thể hạ nhiệt.
Bạo lực băng đảng tại quốc gia Caribe này đang đe dọa lật đổ chính phủ và khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
"Việc không vận nhân sự vào và ra khỏi đại sứ quán phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn của chúng tôi về tăng cường an ninh cho đại sứ quán trên toàn thế giới. Không có người Haiti nào trên máy bay quân sự", Bộ tư lệnh miền Nam của quân đội Mỹ tuyên bố.
Theo Hãng tin Reuters, Haiti đã rơi vào tình trạng khẩn cấp trong ngày 3-3, sau khi giao tranh leo thang lúc Thủ tướng Ariel Henry đang ở Nairobi.
Ông Henry đang cố gắng thúc đẩy một sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia cho Haiti do Liên Hiệp Quốc chống lưng.
Hồi năm ngoái, Kenya tuyên bố rằng họ sẽ lãnh đạo sứ mệnh này, nhưng nhiều tháng tranh chấp pháp lý trong nước đã khiến công tác phải tạm dừng.
Hôm 9-3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện với Tổng thống Kenya William Ruto về cuộc khủng hoảng Haiti.
Cả hai đã nhấn mạnh cam kết của họ đối với sứ mệnh an ninh đa quốc gia nhằm lập lại trật tự.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ tư lệnh miền Nam của quân đội Mỹ cho biết Washington vẫn cam kết thực hiện những mục tiêu đó.
"Đại sứ quán của chúng tôi vẫn tập trung vào việc thúc đẩy các nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ người dân Haiti, bao gồm huy động sự hỗ trợ cho Cảnh sát quốc gia Haiti, đẩy nhanh việc triển khai sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia (MSS) do Liên Hiệp Quốc ủy quyền, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng", Bộ tư lệnh miền Nam của quân đội Mỹ nói.
Các đặc vụ liên bang Mỹ đã bắt giữ và buộc tội bốn nghi phạm ở Florida với cáo buộc đóng vai trò trong vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise vào năm 2021.