Tại cuộc làm việc mới đây với Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo địa phương này cần thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ. Ông nói:
“Không liệt sĩ nào là vô danh, những liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Vì vậy việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không để “vô danh” nữa. Năm 2023 phải hoàn thành điều chỉnh thông tin 24.720 mộ liệt sĩ thống nhất theo mẫu tên, cùng một loại đá, làm đẹp, làm dày dặn, chữ khắc sâu”.
Quy tập hài cốt liệt sĩ ở Đồng Nai. |
Trước thông tin này, một số ý kiến trên các trang mạng xã hội cho rằng việc thay đổi nội dung bia mộ liệt sĩ là không cần thiết và tốn kém.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc này, lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết việc đổi tên đã được nêu rất rõ ràng trong Nghị định 131/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Cụ thể, khoản c, điều 152 về quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ có quy định trên bia mộ liệt sĩ phải ghi thống nhất họ và tên, ngày sinh… “trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Bàn thêm về việc đổi nội dung bia mộ liệt sĩ, ông Hoàng Công Thái, nguyên Cục trưởng Cục Người có công, cho rằng việc thay đổi tên bia mộ liệt sĩ vô danh được bàn từ lâu, vì có ý kiến cho rằng để vô danh là “hơi vô cảm’, vì liệt sĩ nào cũng có tên tuổi, địa chỉ, gia đình, quê quán...
“Những liệt sĩ này chưa xác định được thông tin chứ không phải vô danh. Do vậy trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” sẽ chính xác hơn”- ông Hoàng Công Thái nói.
Cũng theo ông Thái, việc đổi nội dung trên bia mộ có hai ý nghĩa. Một là đúng bản chất không có liệt sĩ nào vô danh, hai là sẽ thúc đẩy trách nhiệm phối hợp tìm kiếm thông tin liệt sĩ.