Cụ thể năm 2023, có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tăng 21% so với năm 2022, trong đó có hơn 35 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) trên các ứng dụng ngân hàng. Trong tháng 1/2024, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt đều có mức tăng trưởng khá so với tháng 1/2023: tăng hơn 63% về số lượng và tăng hơn 41% về giá trị.
Các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán không tiền mặt phổ biến khiến lượng người sử dụng thẻ ATM ngày càng ít đi. Ảnh: Minh An |
Trong các hình thức thanh toán, người tiêu dùng chuộng nhất là thanh toán qua mã QR (tăng hơn 892% về số lượng và hơn 1.062% về giá trị), kế đến là thanh toán qua điện thoại di động (tăng hơn 68% về số lượng và hơn 41% về giá trị), tiếp đó là qua kênh internet (tăng hơn 57% về số lượng và hơn 37% về giá trị) và qua máy POS quẹt thẻ (tăng hơn 16% về số lượng và hơn 13% về giá trị). Thế nhưng, phương thức thanh toán qua thẻ ATM lại giảm hơn 15% về số lượng và giảm 18% về giá trị. Tính đến cuối tháng 1/2024, thị trường có 20.986 thẻ ATM, giảm hơn 1,7% so với tháng 1/2023.
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - cho biết: từ năm 2021 đến nay, có đến 65% người tiêu dùng không đem theo tiền mặt khi đi mua sắm hàng hóa. 95% người tiêu dùng hiện nay có sử dụng ít nhất 1 phương thức thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên, vẫn còn gần 80% người tiêu dùng lo ngại về tính an toàn của thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, phương thức live stream bán hàng đang phổ biến nhưng gần như 100% người mua hàng qua kênh này vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, để việc thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến, cần có chính sách khuyến khích ngắn hạn cho nhà bán lẻ, người tiêu dùng, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng thanh toán để đảm bảo việc thực hiện giao dịch không gặp trục trặc.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.7573151a-mta-eht-gnud-iougn-ti-gnac-yagn/nv.moc.enilnounuhp.www