Xuất hiện một số "ông trùm" ma túy quốc tế tại Việt Nam
Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an cho biết: Cùng với khó khăn kinh tế, chiến tranh tại một số khu vực và cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, sự bùng nổ các dịch vụ điện tử đã bị tội phạm ma túy lợi dụng để thay đổi phương pháp vận chuyển, tiếp cận các tiền chất và hóa chất thiết yếu cho việc sản xuất ma túy, mua bán bất hợp pháp các chất ma túy. Trong khi đó, việc cắt giảm ngân sách đối với công tác phòng, chống ma túy để dành ưu tiên cho phát triển kinh tế, quốc phòng, ứng phó với diễn biến căng thẳng chính trị của nhiều nước đã tác động mạnh đến cuộc chiến phòng, chống ma túy trên thế giới.
Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng cung ma túy toàn cầu đều ghi nhận tăng trong năm 2023. Cạnh đó, sự bùng nổ của kỹ thuật số dẫn đến nhiều thay đổi trong cách mua bán ma túy, làm cho chuỗi cung ứng ngắn hơn, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận thị trường. Các quốc gia ghi nhận đã có 1.127 các chất hướng thần mới (NPS) trên thế giới, trong đó chỉ có 302 chất hướng thần mới nằm trong danh mục kiểm soát quốc tế. Việc mua bán trái phép chất ma túy trên Internet và các sàn thương mại điện tử diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, các đối tượng sử dụng tiền điện tử để giao dịch, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là nước có nguồn cầu ma túy lớn nhất trong khu vực, xếp thứ hai trên thế giới và là điểm đến của ma túy. Việc Trung Quốc đẩy mạnh chính sách triệt phá các cơ sở sản xuất ma túy trong nội địa dẫn đến xu hướng dịch chuyển, lấy khu vực "Tam giác vàng" làm địa bàn hoạt động, đầu tư công nghệ, chuyên gia hóa học... để sản xuất ma túy, khiến tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp (MTTH) tại khu vực này ngày càng phức tạp. "Tam giác vàng" hiện không chỉ là nơi sản xuất các loại ma túy truyền thống (thuốc phiện, heroin) mà đã trở thành khu vực sản xuất MTTH lớn nhất trên thế giới.
Tình hình trên đã tác động rất lớn đến Việt Nam khi nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ nước ngoài, nhất là từ khu vực "Tam giác vàng" được mua bán, vận chuyển trái phép về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục đưa sang nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không, đường biển. Số lượng MTTH từ Lào, Campuchia thẩm lậu vào Việt Nam tiếp tục gia tăng đột biến so với những năm trước. Chưa kể số MTTH từ Châu Âu qua đường hàng không về các sân bay quốc tế ở Việt Nam, cocain từ Nam Mỹ vận chuyển qua đường biển đến các cảng lớn của nước ta để tiếp tục đi nước thứ ba.
Thông tin của lực lượng chức năng các nước, một số "ông trùm" các băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế có tổ chức đã hoạt động tại Việt Nam, hình thành các đường dây xuyên quốc gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, rửa tiền. Các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, câu kết với đối tượng trong nước hình thành những đường dây vận chuyển ma túy tinh vi, có tổ chức, sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Việc đấu tranh với loại tội phạm này đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chức năng.
Lập đường dây nóng, tham gia các chuyên án quốc tế
Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế với lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy của các nước cả về chiều sâu, chiều rộng, nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đã gắn kết chặt chẽ, hợp tác tin cậy, hiệu quả với các nước có chung đường biên giới. Nước ta xác định Lào, Campuchia và Trung Quốc là các đối tác chiến lược hàng đầu trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Trong năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy nước ta luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với lực lượng hành pháp các nước láng giềng, trong đó tập trung phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an còn chủ trì, phối hợp Công an 10 tỉnh giáp nước bạn Lào xây dựng, ban hành sổ tay đường dây nóng 4 cấp của Việt Nam và 2 cấp của Lào (cấp Trung ương và cấp tỉnh) để phục vụ công tác trao đổi thông tin về tình hình ma túy giữa hai nước, đồng thời cử các tổ công tác sang Lào phối hợp điều tra những chuyên án lớn; triển khai Cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của Trung Quốc và Công an các tỉnh giáp biên giới tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, xác minh đầu mối thông tin vụ án, phối hợp đấu tranh, truy bắt các đối tượng truy nã, khi cần thiết có thể tổ chức các cuộc họp giao ban giữa hai bên.
Nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy qua biên giới, Việt Nam đã thành lập 23 Văn phòng liên lạc qua biên giới hoạt động tại 15 tỉnh, thành trên toàn quốc. Các văn phòng này đã phát huy hiệu quả trong trao đổi thông tin các vụ việc liên quan đến ma túy với lực lượng đối biên, đồng thời duy trì hoạt động giao ban định kỳ, luân phiên, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa các bên.
Bộ Công an thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và tích cực hợp tác với nhiều nước trong các cơ chế đa phương nhằm gia tăng uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Trong khuôn khổ diễn đàn các nước ASEAN về phòng, chống ma túy, Việt Nam đã chủ trì, tham gia tích cực các khuôn khổ hợp tác về phòng, chống ma túy như: mạng lưới giám sát ma túy ASEAN - NARCO, hợp tác ASEAN về phòng, chống ma túy qua đường hàng không (AAITF), hợp tác ASEAN về phòng, chống ma túy qua đường biển (ASIFT), Hội nghị quan chức cấp cao về phòng, chống ma túy, Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng, chống ma túy.
Năm 2023, Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức hoạt động Trung tâm Điều phối sông Mê Kông an toàn về kiểm soát ma túy (Trung tâm SMCC). Trong thời gian đại diện các nước làm việc tại trung tâm, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã cung cấp thông tin, lệnh bắt 18 đối tượng truy nã tội phạm về ma túy nghi lẩn trốn tại các nước và đề nghị đầu mối Trung tâm SMCC liên hệ, tiến hành xác minh. Đại diện các nước đã cung cấp 10 thông tin các vụ việc về ma túy có liên quan đến Việt Nam.
Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy nước ta còn hợp tác hiệu quả với những đối tác quan trọng của Bộ Công an Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống ma túy như: Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát liên bang Úc (AFP), Ủy ban Kiểm soát ma túy Thái Lan. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ về phương tiện, kỹ thuật, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã thiết lập đường dây nóng, thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến tội phạm ma túy với các đối tác, tham gia phối hợp đấu tranh chuyên án chung mang tầm khu vực và quốc tế.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy và sự liên kết chặt chẽ của các loại tội phạm xuyên quốc gia, thời gian tới, Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong nước để thực hiện kế hoạch ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi sản xuất, không để Việt Nam thành nơi trung chuyển ma túy quốc tế.
Xem thêm: lmth.828951_ax-ut-yut-am-nahc-nagn-cul-on/na-uv/nv.moc.nagnoc