Theo Hãng tin AFP ngày 11-3 (giờ Việt Nam), phái đoàn ngoại giao của nhiều nước phương Tây đã bắt đầu di tản khỏi thủ đô Port-au-Prince của Haiti.
Rạng sáng 10-3 (giờ địa phương), quân đội Mỹ cho biết vừa "tiến hành nhiệm vụ tăng cường an ninh của Đại sứ quán Mỹ ở Port-au-Prince, cho phép các hoạt động chính yếu của phái đoàn ngoại giao được tiếp tục và tạo điều kiện cho những nhân sự không chủ chốt rời khỏi đây".
Thông báo của Bộ Tư lệnh phía nam quân đội Mỹ (USSOUTHCOM) cho biết lực lượng này đã phải tiến hành đưa người vào và ra khỏi khuôn viên đại sứ quán trực tiếp bằng đường không, "đúng theo quy trình tiêu chuẩn cho việc tăng cường an ninh đại sứ quán".
Cụ thể, từ trước bình minh, các nhân sự được đón bằng trực thăng từ đại sứ quán ra thẳng sân bay thủ đô Port-au-Prince để được di tản khỏi Haiti và ngược lại.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đại sứ quán "vẫn mở cửa với hoạt động bị hạn chế" và nhân sự bị cắt giảm.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định đại sứ nước này tại Haiti đã cùng các nhà ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU) di tản đến Cộng hòa Dominica.
"Do tình hình an ninh rất căng thẳng tại Haiti, đại sứ Đức và phái đoàn đại diện thường trực tại Port-au-Prince đã di tản đến Cộng hòa Dominica cùng các đại diện từ phái đoàn của EU", người phát ngôn bộ trên chia sẻ với AFP. Vị này cũng cho biết các quan chức trên sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ từ Cộng hòa Dominica "cho đến khi có thông báo mới".
Trong nhiều ngày qua, các băng nhóm tội phạm đã chiếm quyền kiểm soát hầu hết thành phố Port-au-Prince và các tuyến đường liên tỉnh xung quanh. Thậm chí, các băng nhóm còn tấn công hai nhà tù ở thủ đô, phóng thích 3.800 phạm nhân.
Đây là động thái nhằm phế truất Thủ tướng Ariel Henry khỏi vị trí lãnh đạo quốc gia nghèo bậc nhất bán cầu Tây này.
TTO - Ngày 24-10, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo đã tạm thời đóng cửa Đại sứ quán Nhật Bản ở Haiti do tình hình an ninh và nhân đạo ngày càng tồi tệ tại quốc gia vùng Caribê này.