Nhiều người cho rằng thời gian học thêm giúp trẻ đạt điểm số cao hơn, đặc biệt là trong các kỳ thi. Nhưng nghiên cứu cho thấy học sinh vốn đã đến giới hạn của mình. Bất kỳ sự "bồi dưỡng" nào thêm sẽ tạo ra kết quả âm.
Học thêm càng nhiều, càng mất kỹ năng xã hội
Terry Carolina Caetano, đồng tác giả nghiên cứu và trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh doanh của UGA (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tác động của những hoạt động bổ sung đối với các kỹ năng nhận thức về cơ bản là bằng không.
Và điều đáng ngạc nhiên hơn những hoạt động này đang góp phần tiêu cực vào các kỹ năng phi nhận thức của trẻ".
Các kỹ năng phi nhận thức bao gồm điều chỉnh cảm xúc và sức khỏe, đồng thời liên quan đến khả năng phục hồi và kỹ năng giao tiếp.
Khi xem xét cách thanh thiếu niên sử dụng thời gian ảnh hưởng ra sao đến các kỹ năng nhận thức hoặc học tập, so với các kỹ năng phi nhận thức hoặc cảm xúc xã hội, Caetano cho biết hầu hết học sinh trung học đang tập trung vào lợi ích về học tập, nhưng dần dần mất đi các kỹ năng cảm xúc xã hội.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, thêm một giờ học, dạy kèm hoặc hoạt động chính thức sẽ giúp học sinh có thêm kỹ năng và nâng cao kỹ năng học thuật. Tuy nhiên, một khi học sinh càng dành nhiều thời gian cho bồi dưỡng thêm kỹ năng, trẻ càng có ít không gian cho thư giãn, tự do giao lưu và giấc ngủ.
Những hoạt động này không trực tiếp giúp trẻ đạt điểm cao, nhưng có giá trị về kỹ năng sống và khả năng ghi nhớ kiến thức. Nếu không được nghỉ ngơi đầy đủ, trẻ có thể không nhớ những kiến thức đã học, và làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Đồng thời, trẻ có thể bị căng thẳng, trầm cảm, bộc phát do dồn nén quá lâu và mất cân bằng về cảm xúc xã hội.
Nhà nghiên cứu Caetano nhấn mạnh, tưởng tượng việc học tập của trẻ là một đường cong, khi đã đạt đến đỉnh thì bất cứ hoạt động học thêm nào diễn ra phía sau đó đều sẽ làm giảm kỹ năng của trẻ. Về cơ bản, học sinh sẽ được trau dồi kỹ năng phi nhận thức tốt hơn, nếu giảm thời lượng cho hoạt động bồi dưỡng kiến thức.
Caetano cho biết, các nhà tâm lý học và nhà giáo dục đã nhấn mạnh tác hại tiềm tàng của việc sắp xếp lịch học quá nhiều, trong nhiều năm liền. Bài nghiên cứu góp phần cung cấp bằng chứng xác nhận lập luận này.
Vấn đề của cả phụ huynh và học sinh
Caetano thừa nhận việc tìm ra giải pháp khá phức tạp. Trẻ cần có nhiều thời gian để chơi đùa với bạn bè một cách không hạn chế, từ đó xây dựng các kỹ năng phi nhận thức. Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ đều sẽ thấy lo lắng khi trẻ không dành đủ thời gian học thêm, vốn có thể đo lường bằng kết quả học tập.
Bên cạnh đó, cần có một số lượng phụ huynh đáng kể hiểu ra vấn đề và bắt đầu thực hiện thay đổi. Nếu không, chính các trẻ rời xa hoạt động học thêm lại không có ai chơi cùng, từ đó không xây dựng được kỹ năng và trở nên lạc lõng.
"Đây là một vấn đề xã hội," Caetano nói. Nhà nghiên cứu đề nghị phụ huynh nên liên tục đánh giá sức khỏe tinh thần của mình cũng như của con cái.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu chi tiết từ 4.300 trẻ em từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Theo nghiên cứu, học sinh trung học phải đối mặt với những áp lực tồi tệ nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là học sinh nhỏ tuổi hơn vẫn ổn.
Cô nói, khi trẻ đang ở đỉnh của đường cong, nếu tiếp tục bổ sung kiến thức, trẻ sẽ phải đối mặt với các kết quả đi xuống.
Các nhà nghiên cứu khuyên phụ huynh dùng thời gian của các học sinh nhỏ tuổi để xây dựng nhiều kỹ năng xã hội và phi học thuật, giúp trẻ có kỹ năng điều tiết cảm xúc. Từ đó, trẻ có nhiều lợi thế để bước vào khoảng thời gian bận rộn và áp lực khi sắp bước vào đại học.
"Các kỹ năng phi nhận thức rất quan trọng, nhưng mọi người không phải lúc nào cũng nghĩ đến, vì khó đo lường. Các kỹ năng này quan trọng không chỉ đối với hạnh phúc trong tương lai mà còn đối với sự thành công trong nghề nghiệp", cô nhấn mạnh.
TTO - Đào Thanh Trúc (học sinh Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM) là thủ khoa tốt nghiệp THPT năm 2022 của TP.HCM với tổng số điểm là 54,45. Tự học là bí quyết giúp Thanh Trúc đạt được kết quả đó.