Dự báo được nêu trong Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2024 vừa phát hành của Ngân hàng UOB. Như vậy, tình hình đầu năm nay dự kiến tích cực hơn quý I/2023 khi GDP tăng 3,32%, theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Ngân hàng Singapore này lý giải trong khi rủi ro từ các sự kiện xung đột bên ngoài tiếp tục đè nặng lên kinh tế toàn cầu, triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng có lợi cho Việt Nam và Đông Nam Á.
Ví dụ, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho hay tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 18,6%, riêng xuất khẩu đạt gần 60 tỷ USD, tăng 19,2%.
Trong nước, hoạt động dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,7%, riêng ngành chế biến - chế tạo tăng 5,9%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1 và 2 đều trên 50, so với mức trung bình 49,3 của cùng kỳ 2023. Mốc trên 50 ghi nhận sản xuất đang mở rộng.
Theo UOB, động lực chung trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bên ngoài đang có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt trong nửa cuối năm 2024. Đó là giai đoạn phục hồi trong lĩnh vực bán dẫn sẽ vững chắc hơn và các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu vận hành chính sách lãi suất phù hợp hơn.
Vì vậy, các chuyên gia ngân hàng này duy trì dự báo tăng trưởng 2024 của Việt Nam ở mức 6%, nằm trong mục tiêu chính thức 6-6,5%. Áp lực lạm phát tiếp tục tăng với CPI toàn phần sẽ tăng lên mức 3,8% năm nay, từ 3,25% năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giữ lãi suất điều hành ổn định năm nay.
Liên quan đến thị trường tiền tệ, sau khi giao dịch USD/VND đã lên mức cao mới 24.700 đồng vào cuối tháng 2 cùng với sự mạnh lên đáng kể của USD so với các đồng tiền châu Á, UOB cho rằng VND vẫn có khả năng phục hồi nhẹ.
"Bất chấp sự suy yếu trong ngắn hạn của VND, kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất, ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định tiền đồng", ngân hàng này nhận định.
Viễn Thông