Như Thanh Niên đã thông tin, thời gian qua Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tăng. Trong đó nổi lên là bệnh HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Công tác phòng, chống HIV/AIDS trở nên khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc người bệnh ngại đi tầm soát để phát hiện sớm, điều trị sớm giảm lây lan và giảm gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
VẪN CÒN PHÂN biệt đối xử với người bệnh
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện còn gặp một số khó khăn. Đầu tiên có thể nói đến là sự kỳ thị phân biệt đối xử và tiếp cận dịch vụ.
Theo đó, người mắc HIV/AIDS vẫn thường phải đối mặt với kỳ thị và phân biệt đối xử từ cộng đồng xã hội, thậm chí là từ nhân viên y tế. Tiếp đến là thách thức về tài chính và duy trì tính bền vững chương trình.
Việc xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hiện nay chủ yếu được miễn phí với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức (cơ sở tiếp nhận, cung cấp dịch vụ cho người có nguy cơ, người nhiễm HIV) hiện vẫn chưa đủ điều kiện và chưa có đầy đủ khung pháp lý để thực hiện việc xét nghiệm HIV, PrEP qua nguồn bảo hiểm y tế (BHYT).
Bên cạnh đó, việc điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV) hiện nay chủ yếu qua nguồn BHYT, tuy nhiên còn nhiều rào cản để đạt được độ bao phủ 100% bệnh nhân thực hiện BHYT (không có giấy tờ tùy thân để mua được thẻ BHYT, không có thẻ BHYT, bệnh nhân từ tỉnh, thành khác chuyển đến không có giấy chuyển tuyến, bị gián đoạn thẻ do mất việc làm…).
Cùng với đó là tuân thủ điều trị của người bệnh. Để điều trị hiệu quả HIV/AIDS, người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị định kỳ và suốt đời. Tuy nhiên, nhiều người gặp khó khăn trong việc tuân thủ đúng và đủ lịch trình điều trị do nhiều lý do khác nhau như vấn đề tài chính, kỳ thị, hoặc thiếu hiểu biết về căn bệnh.
Còn 7% người nhiễm HIV chưa được phát hiện
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thì nêu những khó khăn khác. Theo đó, hiện nay ước tính vẫn còn khoảng 7% số người nhiễm HIV ở cộng đồng chưa được phát hiện (số phát hiện được là 93%). Đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng không ổn định và thiếu hụt nhân sự tiếp cận nhóm nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, chi phí bồi dưỡng thấp gây ảnh hưởng đến hoạt động chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV.
Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới di biến động cao nên việc tiếp cận, cung cấp thông tin, tư vấn xét nghiệm HIV, kết nối điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV và điều trị HIV gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV tại TP.HCM có hoàn cảnh phức tạp, theo đó có 15% bệnh nhân đến từ tỉnh, thành khác khó có giấy chuyển tuyến từ nơi khám chữa bệnh ban đầu, để thực hiện chữa bệnh bằng BHYT; bệnh nhân là công nhân, nghỉ việc, đổi chỗ làm, bệnh nhân từ cơ sở cai nghiện về cộng đồng...
Mặt khác, các tổ chức, các nhóm cộng đồng hiện sử dụng các phần mềm, ứng dụng để quản lý từng chương trình, các hoạt động từ tiếp cận cộng đồng, xét nghiệm, chuyển gửi điều trị và các thông tin bệnh nhân này chưa được liên thông dữ liệu với cơ sở của tuyến tỉnh. Vì vậy tồn tại nhiều phiên bản và cách thu thập khác nhau, không được gắn kết với nhau dẫn đến việc báo cáo số liệu trùng lặp thông tin, việc kết nối dữ liệu không đảm bảo tính chính xác.
Nhiều giải pháp
Trả lời PV Thanh Niên, HCDC cho biết, TP.HCM tiếp tục thực hiện đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cùng với đó là hoạt động truyền thông, tiếp cận cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng nhằm giảm kỳ thị phân biệt đối xử, thay đổi hành vi và quảng bá giới thiệu các dịch vụ HIV/AIDS trên địa bàn. Tăng cường phối hợp giữa các đối tác, các dự án xây dựng lộ trình duy trì và chuyển giao bền vững cho mỗi chương trình (xét nghiệm HIV, PrEP, điều trị ARV), và tiếp tục tăng cường chất lượng điều trị.
Theo HCDC, công tác phòng, chống HIV quan trọng vẫn là dự phòng lây nhiễm: từ mẹ nhiễm HIV sang con; phòng ngừa lây qua quan hệ tình dục; phòng ngừa lây qua đường máu. Cùng với đó là phát hiện sớm HIV, thực hiện xét nghiệm HIV là cách khẳng định một người bị nhiễm HIV hay không. Vì vậy, người có nguy cơ cao nhiễm HIV thì cần tiếp cận sớm với dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế. Người dân cũng có thể tự xét nghiệm bằng test nhanh HIV tại nhà, trước khi tiếp cận các cơ sở y tế.
"Thực hiện xét nghiệm nếu khẳng định một người bị nhiễm HIV thì cần điều trị thuốc ARV ngay trong ngày (hoặc chậm nhất 7 ngày). Điều trị càng sớm và tuân thủ tốt, sức khỏe bệnh nhân càng được cải thiện, hệ miễn dịch không bị suy giảm chức năng và có thể sống lâu như người không nhiễm HIV. Hiện bệnh nhân có thể tiếp cận ban đầu tại các trung tâm y tế để được tiếp nhận điều trị thông qua khám chữa bệnh BHYT", HCDC khuyến cáo.
Lưu ý khi xét nghiệm HIV tại nhà
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều test nhanh HIV, theo khuyến cáo của HCDC, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV phải có trong danh mục sinh phẩm xét nghiệm HIV do Bộ Y tế ban hành, đảm bảo độ nhạy, độ đặc hiệu và thực hiện đúng theo hướng dẫn quốc gia về xét nghiệm HIV. Trên địa bàn TP.HCM, với sự hỗ trợ nguồn lực từ các dự án, các trung tâm y tế và một số doanh nghiệp, tổ chức dựa vào cộng đồng hoạt động về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS có cấp, phát các sinh phẩm tự xét nghiệm HIV được cấp phép của Bộ Y tế như: Mylan HIV Self Test, OraQuick Advance Rapid HIV - 1/2 Antibody Test, CheckNow™ HIV Self Test.
Do đó, đối với loại hình tự xét nghiệm, người dân cần chọn loại sinh phẩm xét nghiệm HIV được phép lưu hành, nơi cung cấp sinh phẩm xét nghiệm có uy tín (để đảm bảo chất lượng sinh phẩm về nhiệt độ bảo quản, về tính nguyên vẹn của sinh phẩm), sinh phẩm còn hạn sử dụng. Cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất; yêu cầu trợ giúp của nhân viên xét nghiệm (nếu cần); thực hiện việc xét nghiệm và thu gom vật dụng đã sử dụng sau xét nghiệm. Trường hợp xét nghiệm có phản ứng, người tự xét nghiệm cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV.
Theo HCDC, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên năm 1990 tính đến cuối năm 2023, TP.HCM đã phát hiện được 86.161 người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV còn sống và quản lý là 52.235 người, trong số này có 48.172 bệnh nhân đang điều trị. Tính riêng trong năm 2023, TP.HCM phát hiện 4.117 trường hợp nhiễm HIV đưa vào danh sách quản lý, trong đó số người nhiễm có địa chỉ hộ khẩu ngoại tỉnh chiếm đến 59,4%. Số ca tử vong do HIV ghi nhận năm 2023 là 269 người. Hiện nay, TP.HCM có 43 cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng tại các trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức, các BV, nhóm doanh nghiệp xã hội, các phòng khám tư.