Cụ thể, bà Nguyễn Thị Việt Hương, phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết so với năm 2023 chỉ tiêu đào tạo nghề đã tăng thêm hơn 100.000 người, từ 2,3 triệu người lên 2,43 triệu người được đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ.
Trong đó, tuyển sinh chính quy cho các trường cao đẳng, trung cấp đạt 530.000 người trong năm 2024, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người.
Số người tốt nghiệp sẽ đạt 2,1 triệu
Ngoài ra, số người tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024 sẽ đạt hơn 2,1 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 346.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,8 triệu người.
Cũng trong năm 2024, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tham mưu Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo bốn cấp quốc gia, vùng, ngành, địa phương.
Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước hiện khoảng 1.900, trong đó có nhiều trường hoạt động kém hiệu quả. Việc sắp xếp lại sẽ đảm bảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được tinh gọn.
Trong năm 2024 dự kiến cũng sẽ có đề án về dự án đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành chất lượng cao.
Ngoài ra từ năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành triển khai đề án đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.
Bộ sẽ thí điểm đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên tại 30 cơ sở giáo dục toàn quốc, thí điểm cho khoảng 15.000 lượt học sinh, sinh viên.
Các trường thí điểm sẽ kết hợp lồng ghép đào tạo kỹ năng mềm trong các hoạt động chính khóa, ngoại khóa và các hoạt động tham quan thực tế.
Từ kết quả đạt được, bộ sẽ đưa các môn học kỹ năng mềm thành môn học chính thức được giảng dạy cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo theo nhu cầu thị trường
Trường CĐ công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) sẽ triển khai chương trình đào tạo tín chỉ carbon từ năm 2024.
Đây cũng là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước đào tạo ngành tín chỉ carbon, dự kiến sẽ tuyển khoảng 50 học viên trong năm đầu tiên.
Chương trình đào tạo tín chỉ carbon được chuyển giao từ tổ chức BTEC Pearson (Vương quốc Anh), sẽ triển khai cho đối tượng theo hệ trung cấp 2 năm và đối tượng đã có bằng cử nhân theo chương trình ngắn hạn trong 6 tháng.
TS Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường CĐ công nghệ quốc tế Lilama 2, cho biết nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực tín chỉ carbon trong tương lai sẽ rất lớn.
Dự báo để thực hiện cam kết net zero đến năm 2050, Việt Nam cần khoảng 150.000 người tham gia lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Do vậy, cơ hội cho người học sẽ rất lớn.
TS Bùi Văn Hưng, hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, cho biết trong năm 2024 trường kết hợp với Vietjet đào tạo kỹ thuật viên bảo dưỡng tàu bay mức A.
Chương trình được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ học chương trình cao đẳng tại Trường CĐ Kỹ nghệ II, học viên có thể chọn nghề công nghệ ô tô hoặc nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí. Giai đoạn 2, học viên sẽ học tại Học viện hãng hàng không Vietjet cho những nội dung chuyên sâu về kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay.
Ông Hưng cho biết kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo giúp tận dụng tối đa nguồn lực về giảng viên, trang thiết bị của cả hai bên, đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo.
Trong chương trình này, học viên sau khi hoàn thành có thể được làm tại hai dự án hàng không lớn đang được triển khai ở Việt Nam hoặc Lào.
Trong khi đó để bám sát thị trường lao động, Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn vừa sáp nhập một kênh tìm việc làm vào nhà trường. Kênh sẽ hoạt động như một cầu nối cho các doanh nghiệp và sinh viên kết nối tìm việc, tham quan, kiến tập.
Bà Trần Thị Mỹ Thùy, phó trưởng khoa du lịch, cho biết từ kênh lắng nghe doanh nghiệp, nhà trường sẽ thiết kế chương trình và đào tạo sinh viên chuyên ngành theo nhu cầu thực tiễn của thị trường đang cần.
Doanh nghiệp Nhật, Hàn "đặt hàng"
TS Hoàng Văn Phúc, hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết từ đầu năm đến nay đã có một nhóm khoảng 20 sinh viên đã sang Nhật tham gia các chương trình thực tập có lương.
Ông Phúc cho biết những năm qua liên tục được "đặt hàng" từ các doanh nghiệp Nhật, Hàn tuyển dụng lao động cho các nghề ô tô, cơ khí, nhà hàng, khách sạn.
Mỗi năm trường có 4-5 đợt đưa sinh viên sang các nước làm việc hoặc thực tập. Mức lương các bạn nhận được dao động khoảng 50 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ hết các chi phí.
Sôi động đào tạo quốc tế
TS Trần Thanh Nhàn, phó hiệu trưởng Trường CĐ Văn Lang Sài Gòn, cho biết thời gian gần đây ghi nhận nhu cầu với các chương trình quốc tế, ở cả phía doanh nghiệp đối tác và cả người học.
Các doanh nghiệp tại Đức, Nhật, Hàn… kết nối với trường để đào tạo cung ứng lao động. Sinh viên học 2 năm (6 học kỳ) là có thể được nhận vào làm tại các doanh nghiệp ở nước ngoài với mức lương trung bình khoảng 350 triệu đồng/năm.
Các bạn có thể làm trung bình trong 3 năm. Sau khi về nước, học sinh có thể được nhà trường tiếp tục giới thiệu việc làm hoặc học liên thông lên đại học nếu có nhu cầu.
Bà Nhàn cho biết các nghề được nước ngoài ưu tiên có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động bao gồm xây dựng, cơ khí, ô tô, điều dưỡng, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ thông tin…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng có thể cùng nhau thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.