Toyota gần đây thông báo đã phát hiện thêm nhiều điểm bất thường trong việc tuân thủ quy trình - một cách nói khác của "gian lận" - của công ty con Daihatsu.
Một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng của bên thứ ba phát hiện ra có vấn đề ở 64 mẫu xe Daihatsu, trong đó có 22 mẫu được gắn logo Toyota.
Một trong số đó có Avanza được bán ở Việt Nam. Điều đó khiến Toyota Việt Nam ra thông báo sẽ dừng bán mẫu xe này cho đến khi có thông tin khẳng định về độ an toàn của các tổ chức độc lập.
Mối quan hệ Toyota - Daihatsu
Toyota và Daihatsu bắt đầu quan hệ hợp tác từ năm 1967. Năm 2016, Toyota nắm toàn quyền sở hữu Daihatsu. Mối quan hệ này rất quan trọng trong việc phát triển các xe cỡ nhỏ cho những thị trường mới nổi.
Tháng 4-2023, xuất hiện báo cáo tố Daihatsu đã gian lận thử nghiệm trên Toyota Vios và Perodua Axia. Toyota đã yêu cầu bên thứ ba vào cuộc. Một tháng sau, xuất hiện thêm bằng chứng về gian lận trên các biến thể hybrid của Toyota Raize và Daihatsu Rocky.
Với 64 mẫu xe bị ảnh hưởng, Toyota không liệt kê chi tiết từng vấn đề. Nhưng một số ví dụ được đưa ra có:
- Hộp điều khiển túi khí (ECU) được sử dụng trên xe thử nghiệm khác so với xe bán cho khách. Mẫu bị ảnh hưởng có: Daihatsu Move, Subaru Stella, Daihatsu Cast, Toyota Pixis Joy, Daihatsu Gran Max, Toyota Town Ace, Mazda Bongo;
- Áp suất lốp được sử dụng để chứng nhận đồng hồ tốc độ có sự khác biệt giữa hai bản;
- Dữ liệu thử nghiệm va chạm "diễn tập" nhưng được ghi nhận là "thử nghiệm thực tế";
- Cửa vẫn khóa sau khi có va chạm bên hông. Mẫu bị ảnh hưởng: Daihatsu Cast, Toyota Pixis Joy.
Vì sao Daihatsu gian lận?
Trong cuộc họp báo chung Toyota - Daihatsu, chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira thừa nhận có sai sót trong quản lý.
Theo đó, về cơ bản, ban quản lý Daihatsu đã theo đuổi mục tiêu ngắn hạn, do đó lược bớt nhiều quy tắc để đảm bảo "genba" như tôn chỉ Toyota đề ra.
"Genba" trong tiếng Nhật là hiện trường, trong kinh doanh chỉ công xưởng, nơi sản phẩm thực sự được tạo ra. Đó là khái niệm trọng tâm trong triết lý của Toyota, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan sát trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề và ra quyết định.
Chẳng hạn, khi có vấn đề xảy ra, phải đến tận nơi sản xuất để xem lỗi phát sinh ở đâu, chứ không chỉ nhìn báo cáo trên giấy. Có hướng giải quyết tạm thời, sau đó sẽ đưa ra kế hoạch dài hạn, cuối cùng tiêu chuẩn hóa để tránh lặp lại sai lầm đó.
Soichiro Okudaira là cựu giám đốc Toyota, cũng là kỹ sư trưởng thiết kế ra chiếc Toyota Corolla thế hệ thứ 10 và 11. Ông trở thành chủ tịch Daihatsu vào năm 2017. Các vấn đề của Daihatsu đã có từ trước khi ông được bổ nhiệm, năm 1989. Toyota chỉ hoàn toàn sở hữu Daihatsu năm 2016.
Ông Okudaira hứa hẹn cải tổ lại Daihatsu, tạo ra một hệ thống phù hợp để ngăn chặn trường hợp tương tự tái diễn.
Khi được giới truyền thông Nhật Bản hỏi liệu ông có từ chức hay không, ông Okudaira nói: "Tại thời điểm này, tôi chưa thể nói gì về thời điểm hay cách tôi sẽ từ chức".
Ngoài ra, ông Okudaira cũng cho rằng việc thiếu nhân viên kỹ thuật, không đủ xe thử nghiệm và thời gian phát triển ngắn (do lịch ra mắt dồn dập) đã buộc các nhóm phát triển bỏ qua một số thủ tục nhất định.
Bên ngoài Nhật Bản, Daihatsu có trọng trách phát triển xe dành riêng cho thị trường mới nổi như Đông Nam Á và châu Mỹ Latin. Tổng số dự án Daihatsu phụ trách đã tăng lên nhưng năng lực phát triển vẫn như cũ.
Phó chủ tịch điều hành Toyota Hiroki Nakajima cho biết hãng "sẽ hỗ trợ Daihatsu cải tổ thành một công ty đúng mục tiêu ban đầu khi Toyota và Daihatsu bắt đầu hợp tác cùng nhau".
Từ “ban đầu" có vẻ ngụ ý Daihatsu đã đi chệch hướng. Trong khi Toyota liên tục nhấn mạnh "genba" thì Daihatsu quên mất lời hứa của người Nhật - luôn mang đến sản phẩm chất lượng và sự yên tâm khi sở hữu.
Daihatsu sẽ dừng giao xe bao lâu?
Về việc tạm dừng giao xe sẽ kéo dài bao lâu, chủ tịch Daihatsu Okudaira cho biết điều này phụ thuộc vào hướng dẫn của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản - đơn vị giám sát vấn đề an toàn và triệu hồi phương tiện.
Đối với các quốc gia khác, việc này sẽ phụ thuộc vào chính quyền địa phương, vì việc đình chỉ giao hàng là hành động tự nguyện của Daihatsu.
Với Việt Nam, Toyota cho biết sẽ chỉ dừng bán Avanza Premio phiên bản MT. Hãng sẽ cân nhắc việc mở bán trở lại sau khi nhận được thông tin từ cơ quan kiểm tra và chứng nhận độc lập ở nước ngoài.
Trong khuôn viên hội trường tưởng niệm Toyota Kuragaike ở thành phố Toyota, Aichi, Nhật Bản, bên cạnh ngôi nhà lịch sử của người sáng lập công ty, có một cây hoa anh đào được chủ tịch Toyota Akio Toyoda trồng vào năm 2011.
Ông Akio Toyoda lên nắm quyền chủ tịch khi Toyota trải qua một trong những giai đoạn khủng hoảng nhất. Khi đó, Toyota đang phải giải quyết hậu quả của vụ triệu hồi lớn nhất lịch sử hãng, liên quan đến khoảng 7,5 triệu xe do lỗi kẹt/dính bàn đạp ga.
Trong video được chia sẻ trên kênh YouTube Toyota Times Global, ông Akio cho biết Toyota từng gục ngã khi phát triển quá lớn, không còn tuân theo nguyên lý "genba" do người sáng lập - ông nội ông - đặt ra. Do đó, ông trồng cây anh đào nhằm tượng trưng cho sự tái sinh của Toyota và nhắc nhở thế hệ tương lai không lặp lại sai lầm một lần nữa.
Công ty con của Toyota - Daihatsu dừng xuất xưởng tất cả mẫu xe trên toàn cầu sau khi có thông tin gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn.