Cụ thể, việc định danh nhà đất theo Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6-2024 để tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư đang được các bộ, ngành xây dựng theo đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.
Định danh 100% nhà đất đô thị
Trong dự thảo hướng dẫn thu thập, cung cấp thông tin địa chỉ, dữ liệu định danh vị trí nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị và điểm dân cư nông thôn tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng đề xuất định danh 100% nhà ở, đất ở tại đô thị và khoảng 80% nhà ở tại nông thôn theo người sử dụng.
Các chỉ tiêu thông tin, dữ liệu về nhà ở cần thu thập để định danh nhà ở gồm: loại hình nhà ở, diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng, địa chỉ, số nhà được cấp.
Đối với đất ở, các thông tin, dữ liệu cần thu thập để định danh là số thửa đất, tờ bản đồ, diện tích đất, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong quá trình định danh nhà đất, dữ liệu về nhà ở, đất ở sau thu thập được tích hợp với họ và tên chủ nhà, chủ đất, số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân, ngày tháng năm sinh của chủ nhà, chủ đất, loại hình cư trú.
Công tác định danh nhà đất được Bộ Xây dựng giao cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phối hợp với Trung tâm thông tin Bộ Xây dựng phổ biến, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện.
Tích hợp vào dữ liệu dân cư
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết việc định danh nhà ở, đất ở là một nhiệm vụ Chính phủ giao cho bộ thực hiện theo đề án 06.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ ban hành hướng dẫn về đánh số biển số nhà, dữ liệu về nhà ở, dữ liệu đất đai để tích hợp vào dữ liệu dân cư.
Tới đây Bộ Xây dựng sẽ ban hành một thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác định danh nhà đất.
Cũng theo ông Sinh, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ để định danh nhà đất sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình liên thông thủ tục hành chính các cấp. Đây là hai mục tiêu lớn nhất của đề án 06.
Khi dữ liệu được cập nhật đầy đủ, người dân sẽ không phải mang theo hồ sơ, chứng từ khi làm các thủ tục liên quan, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Luật sư Trương Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Hiệp hội Bất động sản VN, cũng nêu quan điểm nếu triển khai được việc định danh nhà đất thì sẽ chi tiết hóa đến từng căn nhà, mảnh đất cụ thể.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm được thông tin cả nước có bao nhiêu triệu căn nhà, đặc tính từng căn nhà, thuộc sở hữu của ai.
Ông Tuấn cho hay trước đây việc định danh nhà ở khó thực hiện. Nhưng điều kiện công nghệ hiện nay có thể cho phép lập cơ sở dữ liệu thuận tiện hơn, giúp quản lý tài sản của chủ sở hữu dễ dàng hơn, hoạt động quản lý thị trường của cơ quan nhà nước cũng thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, việc triển khai định danh sẽ mất nhiều thời gian vì đây là công việc khó, phức tạp, có nhiều trở ngại.
Tránh chồng chéo, phiền hà cho dân
Theo ông Thang Văn Phúc - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025.
Luật này quy định rõ việc xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời, bảo đảm phù hợp với hiện trạng quản lý sử dụng đất.
Luật Đất đai cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao trách nhiệm về xây dựng, quản lý, vận hành khai thác hệ thống thông tin về đất đai.
Vì vậy, ông Phúc khuyến nghị không nên thu thập dữ liệu nhà đất vào lúc này, cần chờ thực thi Luật Đất đai để có được cơ sở dữ liệu đầy đủ về đất đai trên cả nước, trong đó có thông tin xác định chủ sử dụng đất.
Hiện nay nếu Bộ Xây dựng triển khai định danh nhà đất có thể dẫn tới chồng lấn với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Do đó, việc định danh nhà đất chưa nên làm vội mà nên chờ có cơ sở dữ liệu đất đai, từ đó tích hợp với dữ liệu về nhà ở rồi định danh nhà đất cũng chưa muộn.
Còn KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN, cho rằng định danh nhà đất là động thái Bộ Xây dựng muốn quản lý tốt hơn thị trường nhà đất nhưng đây là việc rất khó, cần phải cân nhắc.
Sở hữu nhà và đất không chỉ có người đứng tên trên giấy tờ. Việc sở hữu còn tùy thuộc vào Luật Thừa kế và một số luật khác nên sẽ rất khó khăn trong thực hiện định danh nhà đất.
Có khi một người được định danh nắm quyền sử dụng nhà đất trong một thời điểm nào đó nhưng quá trình phát triển xã hội có những thay đổi nên rất khó định danh lại.
"Tăng cường quản lý thị trường nhà đất là cần thiết nhưng cần xem xét, cân nhắc cả những vấn đề phát sinh trong quá trình định danh nhà đất.
Ví dụ, vừa rồi Bộ Xây dựng đã phải rút lại đề xuất một người không thể giao dịch quá năm căn nhà một năm.
Tôi cho rằng nhiều người sẽ không tán thành đề xuất định danh nhà đất của Bộ Xây dựng. Vì thế cần cân nhắc kỹ trước khi ban hành quy định", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, tài sản nhà đất là tài sản đặc biệt, khác với các loại tài sản khác. Có rất nhiều quyền liên quan đến nhà đất như quyền sử dụng, thừa kế, cho, tặng, sang nhượng...
Ông Nghiêm cũng khẳng định muốn biết cụ thể thửa đất của ai, diện tích, vị trí thế nào thì nhiều năm qua cơ quan quản lý đất đai đã làm rồi. Thông tin đất đai đã có rồi, không nên gây phiền hà thêm với người đứng tên sở hữu nữa.
Nhiều lợi ích cho người dân từ định danh số nhà
Theo đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an), việc định danh số nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan quản lý. Đây cũng là điểm cốt lõi xây dựng thành phố thông minh và một số nước trên thế giới và khu vực như Singapore, Malaysia... đã triển khai rất tốt.
Mục tiêu trước hết là tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân, thuận tiện trong tìm nhà theo địa chỉ, giao hàng, bảo đảm chất lượng phát triển của đô thị. Mục tiêu tiếp theo rất cơ bản là minh bạch tài sản bất động sản và làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Đại diện trung tâm chỉ rõ việc định danh số nhà, số căn hộ giúp minh bạch thị trường bất động sản. Cụ thể, xác định được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản (địa chỉ nhà ở, số căn hộ).
Việc này còn giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho Nhà nước thông qua việc tận dụng những dữ liệu đã có sẵn để liên thông, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản. Đồng thời sẽ giúp cơ quan quản lý nắm rõ thông tin về chủ sở hữu bất động sản, bao gồm số lượng bất động sản mà họ sở hữu.
Điều này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trốn thuế, rửa tiền... hay giảm thiểu tham ô, tham nhũng. Ngoài ra, sẽ giúp người dân giao dịch bất động sản thuận tiện hơn, tránh tình trạng nhầm lẫn địa chỉ.
* Luật sư Nguyễn Tiến Lập (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC):
"Thông tin về tài sản thuộc bí mật đời tư"
Nếu định danh nhà đất để phục vụ quản lý hành chính về dân cư thì các thông tin về chỗ ở đã có trong cơ sở dữ liệu căn cước rồi. Như vậy, có thể suy đoán rằng đây là thu thập thông tin về tài sản, tức bất động sản của mọi người dân.
Nó giống tính chất với việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã và đang được tiến hành từ nhiều năm qua. Nếu là vậy thì việc này có cần thiết mở rộng ra đối với toàn bộ dân cư?
Hơn nữa, thông tin về tài sản thuộc phạm trù bí mật đời tư và có tính nhạy cảm, dễ bị lạm dụng lợi dụng bởi các bên thứ ba để gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của các cá nhân nên đã được bảo hộ bởi pháp luật.
Về thẩm quyền thu thập, lưu giữ, cập nhật và xử lý các thông tin này, nếu thu thập thông tin để bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì theo Luật Căn cước, các thông tin về bất động sản của người dân không thuộc loại thông tin cơ bản mà Quốc hội yêu cầu phải có.
Còn nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an soạn thảo đã được Chính phủ ban hành cũng xác định phần thông tin về tài sản, tài chính của cá nhân là thông tin nhạy cảm cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Thông lệ quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là vậy. Tôi cho rằng đối với mọi cá nhân, việc thu thập thông tin về họ chính là vấn đề thuộc quyền công dân nên mọi hành động có liên quan đều phải được quy định bởi một đạo luật do Quốc hội ban hành.
Dữ liệu định danh nhà đất lấy từ đâu?
Bộ Xây dựng cho biết dữ liệu định danh nhà đất được cung cấp từ ba nguồn chính là: nguồn dữ liệu biển số nhà, địa chỉ nhà ở đã có sẵn, được các cấp chính quyền thực hiện xây dựng và quản lý từ nhiều năm; dữ liệu được khởi tạo mới đối với những ngõ, hẻm, kiệt, ngách và nhà ở chưa được đánh số nhà, gắn biển số nhà hoặc xác thực vị trí; nhà ở đô thị sẽ được định danh vị trí theo số nhà, còn nhà ở nông thôn sẽ được định danh theo điểm dân cư nông thôn.
Các nguồn dữ liệu khác có liên quan được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng phục vụ nhu cầu riêng.
100% nhà ở, đất ở tại đô thị sẽ được định danh địa chỉ, gắn số nhà và khoảng 80% nhà ở tại nông thôn được định danh địa chỉ theo thôn, xóm, điểm dân cư để tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.