Cụ thể, kể từ ngày 14-3 đến ngày 17-3, giao thông đường thủy nội địa tại khu vực cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn (xã Hưng Yên, huyện An Biên và xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang) và cống Cái Bé trên sông Cái Bé (xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) bị hạn chế.
Mức độ hạn chế là đóng tất cả các cửa cống hoàn toàn, phương tiện thủy không được lưu thông qua các cửa cống, chỉ được lưu thông qua cống Cái Lớn và cống Cái Bé bằng cửa âu thuyền.
"Các phương tiện thủy khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông thủy tại hiện trường", văn bản nêu.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ khả năng xâm nhập sâu 45-47km (Ngã ba Nước Trong), độ mặn 1‰ xâm nhập sâu 55-57km (cầu Cái Tư).
Còn trên sông Cái Bé, độ mặn 4‰ khả năng xâm nhập sâu 25km (xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng), độ mặn 1‰ xâm nhập sâu 30km (cầu Long Thạnh); mặn xâm nhập sâu vào các ngày triều cường.
"Lần này có đợt triều cường nên Công ty Thủy lợi Miền Nam đã đóng cống để ngăn mặn và điều tiết phương tiện qua lại khu vực cống Cái Lớn, Cái Bé phù hợp", ông Nguyễn Huỳnh Trung - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang - nói.
Được biết, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững... cho 346.241ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng.
Những ngày này, hệ thống đang vận hành kiểm soát nguồn nước.
TTO - Dự án “Siêu cống” thủy lợi lớn nhất Việt Nam, Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (tỉnh Kiên Giang) vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khánh thành giúp kiểm soát nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp đa dạng.