vĐồng tin tức tài chính 365

Cách các nước đánh giá đổi mới sáng tạo cấp địa phương

2024-03-12 11:25

17h hôm nay (12/3), Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ lần đầu công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). PII được xây dựng dựa trên GII (chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu), nhưng thu gọn lại để phù hợp với các địa phương. Mục tiêu là vẽ ra bức tranh tổng thể về mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Từ đó, các chính quyền sẽ tìm ra cách phù hợp để thúc đẩy kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh.

Thông tin xếp hạng PII các địa phương sẽ công bố tại đây

Trước Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng có chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Tháng 10/2019, Viện Nghiên cứu Chuyển đổi quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) lần đầu tiên công bố III - Chỉ số Đổi mới sáng tạo Ấn Độ (India Innovation Index).

Ấn Độ nhiều năm qua vẫn coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho tăng trưởng và thịnh vượng. Họ thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo thông qua nhiều sáng kiến như Atal Innovation Mission, Startup India hay Make in India.

III - Chỉ số Đổi mới sáng tạo Ấn Độ ra đời với mục tiêu tạo ra công cụ tổng quát giúp đánh giá năng lực và tình hình đổi mới sáng tạo tại các địa phương. Từ đó, giới chức có thể nhận ra thách thức cần giải quyết và điểm mạnh cần tập trung khi thiết kế chính sách tăng trưởng kinh tế cho từng khu vực.

Chỉ số này được tính dựa trên điểm trung bình của 7 trụ cột - Nhân lực, Đầu tư, Lao động tri thức, Môi trường kinh doanh, Môi trường An toàn - Pháp lý, Thành quả Tri thức và Sức lan tỏa tri thức. Trong đó, 5 trụ cột đầu tiên được xếp vào nhóm Đầu vào (Input) và 2 trụ cột sau là nhóm Đầu ra (Output). Cách tính này tương tự GII.

Tuy nhiên, vì các địa phương của Ấn Độ có sự khác biệt lớn về ngôn ngữ và diện tích, họ phải chia thành 3 nhóm để xếp hạng riêng, gồm Các bang lớn; Các bang phía Bắc và miền núi; Các bang nhỏ, thành phố và lãnh thổ liên minh.

Các robot trong nhà máy ôtô của Maruti Suzuki tại Manesar (bang Haryana, Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Các robot trong nhà máy ôtô của Maruti Suzuki tại Manesar (bang Haryana, Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Đến nay, Ấn Độ đã công bố III 3 lần, cho năm 2019, 2020 và 2021. Ban đầu, III chỉ bao gồm 33 chỉ số thành phần. Đến năm 2021, số lượng đã tăng lên 66.

Kết quả của các lần đánh giá cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại nước này khá mạnh ở phía Nam và phía Tây. Báo cáo cũng tìm ra ở cấp độ quốc gia, Ấn Độ cần tăng chi cho R&D (nghiên cứu và phát triển), cải thiện năng lực của các tổ chức giáo dục để có nhiều thành tựu đổi mới sáng tạo hơn nữa. Các ngành công nghiệp và giáo dục cũng cần tích cực hợp tác để tăng năng lực sáng tạo.

Còn ở cấp bang, họ cần tạo ra các chính sách nhằm cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Các chính sách về công nghiệp tại các bang cũng cần tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo. Hiện tại, Ấn Độ có ít chính sách như thế này, kể cả ở các bang và lãnh thổ liên minh đứng đầu bảng.

Chỉ số III được đánh giá là tham chiếu đáng tin cậy về tác động của các chính sách với đổi mới sáng tạo ở cấp địa phương. Lần công bố đầu tiên đã định hướng cho giới chức cách cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Việc này đã giúp Ấn Độ lọt top 50 của GII năm 2020, tăng 4 bậc so với năm 2019.

Thứ hạng của Ấn Độ cũng liên tục cải thiện. Năm 2021, họ tiến thêm 2 bậc trong GII, lên thứ 46. WIPO đánh giá Ấn Độ là một trong những nước đổi mới sáng tạo hàng đầu giai đoạn 2019-2020 ở khu vực Trung và Nam Á. Tổ chức này đánh giá Ấn Độ cao nhất ở Mức độ hoàn thiện của thị trường và thấp nhất là Cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc cũng áp dụng việc đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo tại từng địa phương. Từ nhiều năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ Phát triển Trung Quốc (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc) công bố Báo cáo Đánh giá Năng lực Đổi mới sáng tạo Địa phương thường niên.

Báo cáo này xem xét nhiều yếu tố theo 5 phương diện: môi trường sáng tạo khoa học - công nghệ, đầu vào và đầu ra hoạt động khoa học công nghệ, mức độ công nghiệp hóa công nghệ cao và đóng góp của lĩnh vực này cho kinh tế - xã hội. Mục tiêu của họ là đánh giá mức độ đột phá về khoa học công nghệ tại 31 tỉnh thành tại đây.

Theo báo cáo, Thượng Hải và Bắc Kinh là các thành phố dẫn đầu nhiều năm liên tiếp. Năm ngoái, hai vị trí dẫn đầu tiếp tục thuộc về hai thành phố này. Theo sau là Quảng Đông, Thiên Tân và Giang Tô.

Lao động trong nhà máy sản xuất xe điện NIO ở An Huy (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Lao động trong nhà máy sản xuất xe điện NIO ở An Huy (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Báo cáo cũng chỉ ra các thành phố ở vị trí đầu bảng đều chi mạnh tay cho R&D. Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy - các tỉnh thành thuộc khu vực đồng bằng sông Dương Tử - chi tổng cộng hơn 842 tỷ nhân dân tệ (117,9 tỷ USD) cho R&D năm 2022, tương đương 25% của toàn Trung Quốc. Con số này của riêng Quảng Đông là 441 tỷ nhân dân tệ, cao nhất nước 7 năm liên tiếp.

Từ khi cải cách mở cửa năm 1978, Trung Quốc luôn ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ hiện là nền kinh tế lớn nhì và là nền kinh tế đổi mới sáng tạo thứ 12 thế giới, theo GII 2023. Các thành phố đổi mới sáng tạo hàng đầu đều thuộc top giàu nhất thế giới, theo báo cáo năm ngoái của Henley&Partners và hãng nghiên cứu tài sản New World Wealth.

Tại Mỹ, năm 2022, ITIF - tổ chức phi chính phủ hàng đầu thế giới về khoa học - công nghệ cũng đánh giá về sức cạnh tranh về đổi mới sáng tạo của các bang tại Bắc Mỹ theo 13 tiêu chí kinh tế. Các tiêu chí này được chia làm 3 trụ cột: Nền kinh tế tri thức (trình độ giáo dục của lực lượng lao động, giá trị thặng dư trên mỗi lao động,...), Toàn cầu hóa (xuất khẩu công nghệ cao, Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài) và Năng lực sáng tạo (mức độ phủ sóng Internet, chi phí R&D, số bằng sáng chế,...).

Với thang điểm 100, Massachusetts (Mỹ) đứng đầu với 91,5 điểm. Theo sau là California (Mỹ) - 83,9 điểm và Ontario (Canada) - 75,2 điểm.

Sang năm 2023, tổ chức này mở rộng đánh giá sang 71 địa phương khác ở châu Âu (Áo, Đức, Hungary, Italy, Ba Lan, Thụy Điển). Trong nghiên cứu gồm 50 bang của Mỹ và 71 thành phố châu Âu, các đại diện từ Mỹ tiếp tục đứng đầu.

Với 95,3 điểm, Massachusetts xếp thứ nhất. Theo sau là California (Mỹ) và Baden-Württemberg (Đức). Mỹ đóng góp 10 đại diện trong top đầu.

"Các nền kinh tế luôn cần chiến lược tốt về đột phá sáng tạo để cạnh tranh trên toàn cầu. Ở cấp địa phương cũng vậy. Mức độ tăng trưởng kinh tế bền vững phụ thuộc vào khả năng phát triển và chuyển giao kiến thức, công nghệ, cũng như khả năng tăng năng suất, thích cứng cao với chuỗi cung ứng toàn cầu. Các bang của Mỹ khá mạnh trong các tiêu chí này", Stephen Ezell - Phó giám đốc phụ trách chính sách đột phá toàn cầu tại ITIF cho biết.

California và Massachusetts cũng là hai cái tên dẫn đầu Chỉ số Đột phá cấp Bang (SII) do Bloomberg công bố năm 2020. Đây là năm thứ hai liên tiếp họ nắm giữ các vị trí này.

Bloomberg đánh giá các địa phương theo 6 tiêu chí: mức độ nghiên cứu và phát triển, năng suất lao động, số cụm công ty trong lĩnh vực công nghệ, số việc làm trong lĩnh vực công nghệ, các cư dân có bằng khoa học - kỹ thuật và số bằng sáng chế. California và Massachusetts được đánh giá cao vì tập trung cho các trường đại học và hệ thống nghiên cứu.

"Tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo là cốt lõi với nền kinh tế và lực lượng lao động của Mỹ. Đây là nền tảng cho sự phục hồi của Mỹ sau đại dịch", Chris Dombrowski - Giám đốc Văn phòng Phát triển Kinh tế và Kinh doanh của bang California kết luận.

Theo GII 2023, Mỹ là nền kinh tế đổi mới sáng tạo thứ ba thế giới. Nước này nhiều năm qua vẫn luôn nằm trong top 5.

Hà Thu

Xem thêm: lmth.7750274-gnouhp-aid-pac-oat-gnas-iom-iod-aig-hnad-coun-cac-hcac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cách các nước đánh giá đổi mới sáng tạo cấp địa phương”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools