Theo dự kiến, sáng 18-3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trực tiếp trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiều vấn đề, trong đó có kinh doanh đặt cược.
Doanh nghiệp muốn kinh doanh đặt cược cần điều kiện gì?
Theo đó, đến năm 2017, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và căn cứ quy định của Luật Đầu tư, Chính phủ đã ban hành nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Theo đó, đối với đặt cược đua chó, đua ngựa, doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh đặt cược khi có dự án đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu lần lượt là 300 tỉ đồng và 1.000 tỉ đồng.
Từng dự án phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư trên cơ sở thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành cấp giấy phép kinh doanh đặt cược sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng trường đua và chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh đặt cược.
Đối với đặt cược bóng đá quốc tế, Chính phủ cho phép một doanh nghiệp thí điểm kinh doanh trong thời hạn 5 năm. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Doanh nghiệp được lựa chọn phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng; có phương án đầu tư hệ thống đặt cược và phương án kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.
Vì sao đặt cược bóng đá quốc tế chưa thể triển khai?
Về tình hình triển khai, bộ trưởng cho hay đối với đặt cược đua ngựa, đua chó, từ năm 2017 đến nay có 7 tỉnh, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho một dự án đầu tư trường đua ngựa (có đặt cược) tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Tuy nhiên, đến nay dự án này chưa triển khai đầu tư do vướng mắc về cơ chế góp vốn từ phía nhà đầu tư Việt Nam (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) và đang thuộc thẩm quyền xử lý của UBND TP Hà Nội.
6 dự án còn lại đang trong quá trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư. Do vậy, đến nay chưa có doanh nghiệp nào được cấp giấy phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó.
Ngoài ra, có một doanh nghiệp đã thí điểm kinh doanh đặt cược đua chó trong trường đua tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 1999, trước khi nghị định số 06 được ban hành. Đến tháng 3-2023 doanh nghiệp đã dừng kinh doanh đặt cược do hết thời hạn hoạt động của dự án.
Đối với đặt cược bóng đá quốc tế, bộ trưởng nêu rõ theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế phải được lựa chọn thông qua đấu thầu.
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu năm 2013 chưa có quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, do đó không thể tổ chức đấu thầu lựa chọn một doanh nghiệp.
Do vậy, từ năm 2017-2022, bộ đã phối hợp các bộ, ngành 5 lần báo cáo cấp có thẩm quyền về vướng mắc và xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định số 06.
Trên cơ sở rà soát pháp luật, tháng 3-2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện nghị định thay thế nghị định 06 sau khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) được ban hành.
Năm 2023, Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong đó có bổ sung quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Trên cơ sở quy đinh của luật, ngày 27-2-2024, Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn quy định về trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh.
Hiện bộ đang hoàn thiện để lấy ý kiến các bộ, ngành sửa đổi nghị định số 06 quy định cụ thể về điều kiện cụ thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế để phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu mới.
Theo đó, việc đấu thầu lựa chọn một nhà đầu tư kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và nghị định về kinh doanh đặt cược.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có báo cáo một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nội dung về bảo hiểm nhân thọ.