"Chúng tôi xác nhận Thủ tướng Henry từ chức vào thời điểm thành lập hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm thủ tướng lâm thời" - ông Irfaan Ali, Tổng thống Guyana (quốc gia Nam Mỹ đang giữ chức chủ tịch Cộng đồng Caribe) cho biết ngày 11-3.
Trong tuyên bố cùng ngày qua video, ông Henry xác nhận: "Những thành viên nội các chính phủ mà tôi đang lãnh đạo sẽ từ chức ngay sau khi thành lập hội đồng chuyển tiếp. Tôi muốn cảm ơn người dân Haiti vì đã trao cho tôi cơ hội".
Theo báo The Guardian, Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức sau khi các băng đảng tại quốc gia vùng Caribe này hợp lực để hạ bệ ông trong nhiều ngày hỗn loạn. Họ phóng hỏa các đồn cảnh sát, xông vào bến cảng và nhà tù cũng như bao vây sân bay quốc tế tại thủ đô nước này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ông Henry vẫn đang có mặt ở Puerto Rico. Quan chức này thuật lại ông Henry bày tỏ mong muốn được trở lại Haiti trong tương lai.
Ông Henry đã gửi đơn từ chức lên Cộng đồng Caribe (CARICOM) - tổ chức chính trị với 15 thành viên - sau khi họ tổ chức cuộc họp khẩn cấp về tương lai của Haiti khi nước này ngày càng tiến gần đến cảnh một "quốc gia thất bại".
Ông Ariel Henry (hiện tại 74 tuổi) nắm giữ vai trò thủ tướng và quyền tổng thống Haiti vào tháng 7-2021 khi Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát.
Theo Tân Hoa xã, Haiti đã chứng kiến bạo lực băng đảng diện rộng trong hơn 2 năm qua, đặc biệt là sau vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise vào tháng 7-2021. Sau khi chính phủ không thể tổ chức bầu cử vào ngày 7-2 năm nay, đảo quốc Caribe này đã đối mặt với tình trạng bất ổn xã hội lan rộng.
Nhiều người Haiti cho rằng ông Henry tham nhũng. Ông Henry đã liên tục trì hoãn bầu cử, với lý do trước tiên cần khôi phục an ninh. Nhiệm kỳ cuối cùng của các thượng nghị sĩ Haiti đã hết từ đầu năm 2023, theo Hãng tin Reuters.
Thủ đô của Haiti tiếp tục chìm trong bạo loạn, buộc phái đoàn ngoại giao của Mỹ, Đức và nhiều nước phương Tây khác rời khỏi nước này.