Gấp sách lại, lòng cứ luẩn quẩn đoản văn Ăn nỗi đau.
Đạo diễn Việt Linh lấy chất liệu từ một câu chuyện có thật trên báo Le Monde kể về người mẹ của kẻ sát nhân - từng gây ra án mạng rúng động dư luận - đến xin lỗi gia đình nạn nhân.
Do tiếng Pháp có hạn, bà nói với các nhà báo: "Tôi muốn ăn nỗi đau đớn của họ" (je veux manger leur douleur).
Với người khác, đó có thể là một chi tiết nhỏ; nhưng với Việt Linh, người mẹ đó đã nói ra một từ "thích đáng cho tâm trạng đau đớn".
Chị viết "đời vẫn đẹp khi ta còn cảm giác muốn ăn nỗi đau của người khác".
Trong Kẻo tro bay mất, có nhiều khoảnh khắc nhỏ, mỏng tang, có khi "trớt quớt", chẳng ai để ý thì tác giả đều muốn nâng niu "hết sẩy".
Như lời nói đầu, Việt Linh viết những con chữ "dĩ nhiên không đủ lực để xoay đời nhân thế" nhưng nó sẽ "lặng lẽ đi cùng độc giả".
Có khi là chuyện hai chiếc áo kỳ cục trong đời một ông lão; chuyện bà già bán trái cây la mấy con chuột "chạy đi tụi con" khi có người đổ nước sôi xuống cống.
Có lúc là chuyện cô gái tha hương, sau 24 ngày làm dâu xứ người thì thiệt mạng...
Tác giả lấy chất liệu từ những chuyện xung quanh lẫn đọc trên báo, chuyện đó chuyện đây, năm này năm nọ nhưng đều là chuyện đời, chuyện người thấm thía. Văn Việt Linh kiệm lời, nhưng tình nồng và ấm.
Việt Linh cũng dành nhiều trang viết cho "ga xép" điện ảnh mà chị tôn thờ. Đi cùng đó là các bình luận, suy ngẫm, thể hiện góc nhìn sắc sảo và rộng mở của chị trước những hiện tượng "cười ra nước mắt", "chữ có khi là than"... trong đời sống.
Kẻo tro bay mất dày hơn 300 trang, mỗi bài viết chừng vài ba trăm chữ, thậm chí ít hơn, trong đó có một phần nội dung từng xuất hiện trong cuốn Năm phút với ga xép (2014), giờ được tuyển lại.
Giọng điệu trần thuật nhàn tản, tự nhiên, có khi tâm tình, có khi khách quan và lạnh.
Có điều, khi gạt hết vỏ chữ sang một bên, lại thấy thăm thẳm một cái tôi thâm trầm, điềm tĩnh, nhìn đời như giọt nước trong. Ở đó, những câu chuyện nhỏ lẻ mẻ, vụn vặt lại có một sức mạnh lớn.
Việt Linh ham quan sát, ham nghĩ và ham cả ghi lại cho nhớ, ghi lại trước khi nó biến thành tro bay mất.
Nhưng khác phim ảnh hay sân khấu, chị không cố ý "nhòm" cuộc sống, mà để cuộc sống "ghim" vào trí. Từ đó viết ra những cảm xúc thôi thúc nhất, tâm sự với tha nhân, với chính mình. Nhiều lúc bản thân tác giả cũng cảm thấy bị... hành xác vì nhạy cảm.
Nói với Tuổi Trẻ, Việt Linh phải thú thực chị "khá hồn nhiên trong việc viết, không trù tính thể loại, nhân quả...".
Khi viết, chị thả mình trôi theo cảm xúc, từ đó chữ toát ra, đặc biệt cái tựa. Sức mạnh của bài viết, nếu có, đến sau, đôi khi chính tác giả cũng bất ngờ. Viết, với Việt Linh, đơn giản là kể ra những chất chứa...
TTO - "Tiểu phẩm này con tự viết hay lấy trên mạng?", "Con tự viết", "Con thích đóng vai nào trong câu chuyện này?", "Con thích đóng Gấu".