Thực tế, chuyện chi phí y tế đắt đỏ ở Mỹ không còn mấy xa lạ. Báo chí Mỹ phản ánh tình trạng người dân nước này đã hoặc trên bờ vực phá sản vì không thể chi trả hóa đơn y tế, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Chẳng hạn, kênh CNBC đưa tin một phụ nữ mắc COVID-19 vào năm 2021 đã chật vật chi trả gần 160.000 USD (gần 4 tỉ đồng) cho 9 ngày nằm viện. Hay như tờ New York Times đưa tin một người đàn ông phải gánh khoản nợ hóa đơn y tế là 1 triệu USD sau khi bố anh qua đời vì COVID-19.
Trang Internation Citizens Insurance liệt kê một số chi phí y tế mà du khách đến Mỹ có thể phải trả nếu không mua bảo hiểm du lịch hoặc bảo hiểm y tế quốc tế.
Việc gãy xương và bong gân có thể dễ dàng xảy ra trong đời sống hằng ngày, nhưng những người không có bảo hiểm ở Mỹ sẽ phải trả chi phí điều trị rất tốn kém.
Trong đó, điều trị gãy xương hông có thể lên tới hơn 53.000 USD. Gãy hoặc bong gân cổ tay có thể tốn từ 500 USD nếu không phẫu thuật và lên tới hơn 10.000 USD nếu phải phẫu thuật.
Tương tự, điều trị không phẫu thuật với gãy và bong mắt cá chân là hơn 300 USD, trong khi phẫu thuật thì phải trả từ 17.000 - 20.000 USD.
Mỗi buổi vật lý trị liệu cũng có giá từ 120 - 350 USD.
Chi phí đến khám tư vấn với bác sĩ rơi vào khoảng 100 - 200 USD hoặc hơn, tùy vào chuyên môn và trình độ của bác sĩ.
Chi phí gọi xe cứu thương dao động từ 400 đến hơn 1.200 USD, còn trực thăng cứu thương thì phải trả cao hơn nhiều, từ 2.000 đến hơn 200.000 USD.
Nếu phải vào phòng cấp cứu, mức giá trong khoảng 150 USD đến hơn 20.000 USD. Nếu ở bệnh viện qua đêm, chi phí có thể cộng thêm 5.000 USD. Cùng với các loại thuốc điều trị, tổng hóa đơn cho một lần cấp cứu ở Mỹ có thể lên tới 6.000 USD.
Chi phí điều trị ung thư ở Mỹ có thể lên tới cả triệu USD. Cụ thể, điều trị ung thư não có chi phí từ 50.000 đến hơn 700.000 USD, ung thư vú là 48.500 đến hơn 300.000 USD, ung thư tuyến tụy là 31.000 đến hơn 200.000 USD. Việc điều trị khối u ác tính cũng có thể tiêu tốn từ 1.700 đến hơn 152.000 USD.
Còn với các xét nghiệm thông thường thì sao? Chi phí chụp cộng hưởng từ (MRI) dao động từ 500 đến hơn 7.850 USD, chụp X-quang từ 200 đến hơn 3.000 USD.
Chi phí xét nghiệm máu - một trong những loại xét nghiệm phổ biến nhất - có giá thấp nhất từ 40 USD và có thể lên đến hơn 3.000 USD.
Xét nghiệm cholesterol tại phòng khám có mức giá 50 đến hơn 130 USD, nếu dùng kit xét nghiệm tại nhà thì cũng phải trả từ 40 đến hơn 75 USD.
Chi phí cho các loại thuốc kê toa cũng đắt đỏ không kém. Sử dụng insulin cho bệnh đái tháo đường có thể tốn từ 530 đến hơn 1.100 USD. Các mũi tiêm dị ứng trong một năm sẽ tiêu tốn từ 600 đến hơn 2.000 USD. Thuốc hít điều trị hen suyễn cũng có giá từ 60 đến hơn 70 USD.
Chi phí sinh đẻ ở Mỹ cũng rất cao. Mỗi lần thăm khám có thể mất từ 100 đến hơn 2.000 USD, sinh mổ có thể phải trả tới hơn 50.500 USD. Nếu mẹ gặp các biến chứng khi sinh, tiền điều trị có thể lên tới 3.000 USD/ngày.
Hóa đơn cho các cuộc phẫu thuật ở Mỹ có thể lên đến vài tỉ đồng. Chẳng hạn phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể lên tới hơn 40.000 USD; phẫu thuật cắt amiđan hơn 12.000 USD; cắt ruột thừa hơn 82.000 USD; bắc cầu động mạch vành hơn 254.000 USD.
Vì sao chi phí y tế Mỹ đắt đỏ?
Theo trang Investopedia, có rất nhiều lý do khiến chi phí y tế ở Mỹ cực đắt đỏ.
Hệ thống y tế ở Mỹ rất phức tạp với nhiều quy tắc và nhiều hình thức bảo hiểm, vì vậy chi phí quản lý hệ thống này là đáng kể. Vào năm 2021, chi phí quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ được quy thành 1.055 USD/người.
Giá thuốc và tiền lương của nhân viên y tế Mỹ cũng rất cao. Vào năm 2022, mức lương trung bình của các bác sĩ gia đình ở Mỹ là khoảng hơn 235.000 USD/năm, trong khi các bác sĩ cấp cứu có mức lương trung bình hơn 310.000 USD/năm.
Ngoài ra, các bệnh viện ở Mỹ đều cố gắng ngăn chặn các vụ kiện tụng với người bệnh. Vì vậy, họ thường xuyên yêu cầu bệnh nhân thực hiện nhiều xét nghiệm và chụp chiếu, khiến hóa đơn y tế cao hơn.
Viện Y tế quốc gia Mỹ vừa thông báo dừng mọi hoạt động nghiên cứu liên quan đến bức xạ điện thoại dù trước đó họ từng đầu tư hàng triệu USD để thực hiện.