Giảm lãi suất vay mua nhà gói 120.000 tỷ đồng?
Nhằm thực hiện Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tới năm 2030, ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phân khúc này. Đây là sự kiện tiếp nối cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tại Hội nghị, hầu hết các doanh nghiệp đều nhắc đến vấn đề lãi suất. Hiện nay, lãi suất cho vay với chủ đầu tư là 8%/năm trong 3 năm. Với người mua nhà là 7,5%/năm trong 5 năm.
Giả sử 1 người công nhân vay 500 triệu mua nhà ở xã hội thì trung bình mỗi tháng họ phải trả cả gốc cả lãi khoảng hơn 11 triệu đồng. Nếu cộng thêm các khoản chi phí sinh hoạt khác, thì cũng là 1 áp lực với những người thu nhập thấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, cần giảm các mức lãi suất này cho người mua nhà. Còn phía doanh nghiệp, cũng mong muốn được kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất.
Tại Hội nghị, doanh nghiệp Grand Home chia sẻ dự án của họ có 7 tòa nhà ở xã hội, nhưng không thể xây dựng cùng lúc. Bởi phải căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ. Nếu dự án chưa bán hết hàng, xây tiếp sẽ tồn kho. Vì thế, thời hạn cho vay ưu đãi chỉ 3 năm, sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó.
"Ở Bắc Ninh hiện nay thị trường trầm lắng, lượng lao động, lượng nhu cầu ở mức độ giới hạn. Nếu thời gian cho vay gói 120.000 tỷ chỉ trong 3 năm thì nó cũng là vấn đề vướng mắc đối với doanh nghiệp", bà Trịnh Thị Hồng Nhung - Kế toán trưởng CTCP đầu tư Grand Home.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho người vay gói 120.000 tỷ đồng
Chia sẻ với đề xuất kéo dài thời hạn vay ưu đãi của doanh nghiệp, một số ngân hàng cho biết họ sẽ tiếp tục ưu đãi cho vay kể cả sau khi hết thời hạn 3 năm, hoặc 5 năm, nhưng với lãi suất thả nổi, không thể cố định.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết: "Xu thế lãi suất ở các thị trường khác vẫn đang tăng, xu hướng giảm chưa rõ ràng. Trong khi các ngân hàng đang cam kết cố định 3-5 năm, với lãi suất giảm như vậy sẽ tiềm ẩn rủi ro về mặt lãi suất cho vay với các ngân hàng. Nhưng vì nhiệm vụ chính trị nên các ngân hàng vẫn cam kết, sau 3-5 năm chúng tôi sẵng sàng tiếp tục có ưu đãi nhưng ưu đãi theo cơ chế thả nổi. Như vậy sẽ hợp lý hơn đối với doanh nghiệp và các ngân hàng".
"Nếu chúng ta có thêm mộ số hình thức hỗ trợ nào nữa sẽ tốt, ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất 2% lâu nay ế không ai dùng, nếu Chính phủ cho phép chuyển 1 phần sang để hỗ trợ cho người mua nhà, giả sử 7,5% mà ta giảm thêm 2% nữa còn 5,5% thì trong khả năng trả nợ của nhiều người", ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đưa ra ý kiến.
Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất nên có cơ chế khuyến khích các ngân hàng khi tham gia cho vay, hoặc chính sách tài khóa dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay ưu đãi. Bởi phát triển nhà ở xã hội là chiến lược dài hạn.
Có nhiều kiến nghị về lãi suất, nhưng hiện trên thị trường có 2 gói cho vay nhà ở xã hội, 1 gói chỉ 4,8%/năm. Vì sao không thể áp dụng chung mức lãi suất này cho người mua nhà? Đây cũng là vấn đề mà nhiều người còn nhầm lẫn giữa 2 gói vay này, gói lãi suất 4,8% và 7,5%/năm.
Gói 4,8%/năm, đây là gói giải ngân thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, từ nguồn vốn ngân sách. Chính vì vậy, mới có mức lãi suất thấp. Còn gói 120 nghìn tỷ đồng là từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại. Họ cũng phải trả lãi tiền gửi cho người dân nên phải cân đối đầu vào đầu ra. Do đó, không thể có được mức ưu đãi 4,8%/năm.
Đơn giản hoá thủ tục vay vốn cho nhà ở xã hội
Bên cạnh câu chuyện về lãi suất, nhiều doanh nghiệp tại hội nghị cũng đề xuất cần đơn giản hóa thủ tục vay vốn, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Năm 2023, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là đơn vị duy nhất triển khai nhà ở xã hội tại Hà Nội, với 1 dự án tại huyện Mê Linh. Để tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn, doanh nghiệp đề xuất rút ngắn quy trình thẩm định.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đưa ra ý kiến: "Đề nghị các ngân hàng thương mại không cần thẩm định hiệu quả dự án. Vì hiện nay thủ tục đi vay cũng rất lâu, phải thẩm định dự án có hiệu quả hay không. Mặc dù, đã là dự án nhà ở xã hội thì đương nhiên phải hiệu quả vì giá thành là doanh nghiệp được tối đa lợi nhuận 10%".
Các ngân hàng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn vay thương mại nên các quy trình vẫn phải xem xét như khoản vay bình thường
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn vay thương mại nên các quy trình vẫn phải xem xét như khoản vay bình thường.
"Về quy định pháp lý của dự án nhà ở xã hội không khác gì với dự án thông thường, cũng vướng mắc qua các quy trình pháp lý như thế. Bắt buộc các ngân hàng thương mại khi nhận cũng phải làm chặt chẽ như thế", ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) nhấn mạnh.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Đã là cho vay cũng xin nói thật, các anh nói là cho vay không cần thẩm định song đến lúc mất vốn thì ai trả lại cho người dân gửi tiền. Nguyên tắc tín dụng, điều kiện tín dụng không bao giờ thay đổi, không bao giờ hạ chuẩn, kể cả dự án tín dụng nhà ở xã hội".
Về phản ánh của một số doanh nghiệp không được vay vốn từ khâu giải phóng mặt bằng, các ngân hàng giải đáp, trong pháp luật không cấm. Ngân hàng cũng sẵn sàng nguồn vốn. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trước khi được giao quyết định là chủ đầu tư. Do đó, chi phí giải phóng mặt bằng không nằm trong tổng mức đầu tư, không phải là chi phí hợp lý để cho vay.
Tại sự kiện, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố công bố đường dây nóng để cả doanh nghiệp, người mua đủ điều kiện, có thể phản ảnh các vướng mắc trong quá trình tiếp cận gói tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý từng trường hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!