Gia tăng người trẻ đau xương khớp
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên, trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Việt Đức, cho biết cuộc sống hiện đại khiến đau nhức xương khớp không còn là căn bệnh riêng của người trung niên, cao tuổi, người lao động nặng, mà có cả người trẻ tuổi với số lượng ngày càng gia tăng.
Đau nhức xương khớp không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngoài đau nhức xương khớp toàn thân, một số người bệnh còn xuất hiện những triệu chứng đi kèm như sưng tấy, đỏ nóng, căng cơ và cứng khớp. Tình trạng này gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày.
Người bệnh có thể bị đau xương khớp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng lo ngại nhất là nhóm bệnh lý khớp mạn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp, gout…
Các bệnh lý này nếu không điều trị sớm và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như teo cơ, biến dạng khớp, lâu dần sẽ mất hoàn toàn khả năng vận động khớp.
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, cảnh báo chỉ riêng đau khớp gối, người đến khám cũng rất đông.
Gần đây ông khám cho bốn trường hợp đều có chung đặc điểm đang sung sức, nhưng sau những hoạt động thường xuyên liên quan đến gắng sức khớp gối, đột nhiên cảm thấy gối bị đau và yếu đi.
Những ngày tháng sau đó, đầu gối của họ sợ lạnh, trời mưa hay những ngày nhiều mây đầu gối rất khó chịu, đêm ngủ nhức buốt, thậm chí bị sưng tấy, siêu âm thấy tràn dịch khớp gối tập trung ở ngay dưới gân cơ tứ đầu đùi…
Theo bác sĩ Phúc, các thí nghiệm chỉ ra rằng nếu độ ẩm tăng và áp suất không khí giảm thì những người có bệnh xương khớp sẽ bị sưng đau, khớp gối bị nhiều nhất.
Ở người có bệnh lý khớp, độ ẩm tăng và khí áp giảm, dịch từ tế bào tiết vào ổ khớp, dịch giữ trong đó mà không có cách nào đào thải ra nước tiểu, chính lượng dịch đó gây tăng áp lực dẫn đến triệu chứng đau khớp; đó là lý do bệnh nhân xương khớp như máy dự báo thời tiết.
Liệu pháp trị liệu đơn giản và an toàn
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết có một tình trạng khá thường gặp là mỗi khi thay đổi thời tiết thì nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và người có tuổi, cảm thấy buồn mỏi, đau nhức ở các khớp.
Tuy nhiên, khi đi khám bệnh và làm các xét nghiệm thì lại không phát hiện điều gì cụ thể.
Bác sĩ Toàn nói theo y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện rất thuận lợi để các yếu tố gây bệnh (được gọi là tà khí) như phong, hàn, thử, thấp... xâm nhập cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị trở trệ, khí huyết kém lưu thông mà phát sinh chứng đau mỏi.
Để dự phòng tích cực và khắc phục tình trạng này, có thể sử dụng các phương pháp đơn giản, dễ kiếm, dễ chế, dễ dùng, rẻ tiền và đảm bảo tính an toàn của y học cổ truyền như:
Dùng dầu xoa: Dùng một trong các loại dầu xoa bóp được bán tại các hiệu thuốc hoặc tự chế để xoa các khớp. Rượu thuốc xoa bóp có thể dùng một trong các công thức:
- Khương hoạt 15g, độc hoạt 15g, quế chi 15g, tần giao 15g, đương quy 15g, dây đau xương 15g, nhũ hương 15g, một dược 15g, mộc hương 15g, tang chi 15g, tất cả tán vụn đem ngâm với 1.500ml rượu cao độ trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được.
- Hồng hoa 60, đào nhân 6g, nhũ hương 6g, đương quy 12g, sinh nam tinh 12g, sinh bán hạ 12g, sinh xuyên ô 9g, khương hoạt 9g, độc hoạt 9g, bạch giới tử 3g, băng phiến 3g, tế tân 4,5g, tạo giác 4,5g, tất cả tán vụn đem ngâm với 1.000ml rượu cao độ trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được.
- Đương quy 12g, độc hoạt 12g, khương hoạt 12g, thiên niên kiện 10g, hồng hoa 8g, tô mộc 12g, nhục quế 8g, tần giao 12g, huyết giác 12g, ngải diệp 6g, mộc qua 10g, tất cả tán vụn đem ngâm với 1.000ml rượu cao độ trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được.
Lưu ý: Cả ba loại rượu xoa bóp này chỉ được dùng ngoài, không được uống.
Chườm ngải: Dùng ngải cứu tươi một nắm to, cắt đoạn dài chừng 2cm, muối ăn 1 bát đem rang cho đến khi hết tiếng nổ thì bỏ ngải cứu vào, đảo nhanh tay rồi đổ ra khăn ba lớp, bọc lại đem chườm vào các khớp đau mỏi, mỗi ngày 1 đến 2 lần.
Cũng có thể dùng lá ngải đặt lên tấm gang hoặc viên gạch đã được nung nóng rồi dùng hơi thuốc xông các khớp, hoặc nấu lấy nước ngâm rửa cùng với một vài thứ lá như xương sông, cỏ xước, lá lốt...
Dùng các phương trà thuốc như:
- Rễ cỏ xước 30g, kê huyết đằng 30g, hai vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Sinh địa 50g, khương hoạt 30g, độc hoạt 30g, kê huyết đằng 40g, đương quy 30g, thiên ma 20g, ngưu tất 20g, tỳ giải 20g, tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 20-30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Dâm dương hoắc 30g, uy linh tiên 30g, xuyên khung 30g, nhục quế 30g, kế đầu ngựa 30g, tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 20-30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Thực phẩm giúp đau nhức xương khớp nhanh khỏi
PGS Liên khuyên khi bị đau nhức xương khớp, ngoài việc chữa trị cũng nên bổ sung các thực phẩm giúp bệnh nhanh khỏi.
Bổ sung thực phẩm giàu omega-3: Omega-3 là chất béo lành mạnh, tốt cho cơ thể. Nó được tìm thấy nhiều trong các loại cá như: Cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích, cá ngừ… Chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên ăn ít nhất 2 bữa cá béo/tuần.
Nên ăn rau củ: Rau củ đóng vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của người bệnh. Việc bổ sung bắp cải, bông cải xanh, cà rốt, củ cải đường… sẽ cung cấp nước, vitamin, khoáng chất cho cơ thể cũng như xương khớp.
Thêm trái cây: Hoa quả luôn là thành phần không thể thiếu để hoàn chỉnh bữa ăn đủ dinh dưỡng. Các loại quả được khuyến khích là cam, bưởi, bơ, lựu, cherry… Đặc biệt, chuối là loại trái cây có lợi cho người bệnh vì giàu kali và magie giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi.
Thực phẩm chứa nhiều collagen: Collagen chiếm 50% trong cơ cấu thành phần của sụn. Do đó, nếu thiếu collagen, ma sát giữa các khớp xương sẽ lớn hơn dẫn đến xương và sụn bị biến dạng.
Dầu ô liu: Các khớp xương đau nhức của người bệnh có thể rất cần dầu ô liu. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất polyphenol trong dầu ô liu có thể giảm tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể.
Trà xanh: Loại thức uống dịu thần kinh này chứa đầy các chất chống oxy hóa gọi là catechin, có tác dụng chống viêm nhiễm và do đó có thể trì hoãn các tổn thương về sụn ở những người bị viêm khớp.
Điều trị bệnh xương khớp cần tránh thực hiện theo các kinh nghiệm truyền miệng thiếu tính khoa học, các thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc nếu không muốn bệnh tình thêm nặng.
Viêm họng, viêm amidan, viêm xoang thường gặp có thể tự khỏi nếu sức đề kháng tốt và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, trường hợp viêm mũi họng do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A nếu điều trị không triệt để có thể gây thấp tim nguy hiểm về sau.