Ngày 13.3, các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều tổ chức khác.
Cáo trạng xác định hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.
Để làm rõ vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan của một số cựu lãnh đạo SCB, các luật sư đề nghị bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) nói rõ về việc ai là người chỉ đạo về việc lập hồ sơ vay khống, rồi rút tiền của SCB, và ai là người quyết định tuyển chọn vị trí quan trọng trong SCB.
"Thần tượng, ngưỡng mộ nên trung thành với Trương Mỹ Lan"
Luật sư Nguyễn Thị Kim Minh (luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung) đề nghị bị cáo Dung giải thích các khoản vay đã cơ cấu?
Tại tòa, bị cáo Dung cho biết, khoản vay tới thời hạn trả nhưng không trả thì sẽ được cơ cấu cả gốc và lãi kéo dài thời hạn, tại SCB hầu hết đều là khoản vay ngắn hạn, cơ cấu cả gốc và lãi.
Theo cựu Phó tổng giám đốc SCB, thời điểm của bị cáo gần như thời điểm cuối cùng vụ án xảy ra, đây là thời điểm tới hạn của rất nhiều khoản vay tại SCB. Hầu hết khoản vay của bị cáo ký thời gian đó dùng để thanh toán lại những khoản vay cũ.
Vụ án Trương Mỹ Lan: Cựu phó tổng SCB nhận sai trong khoản vay ngàn tỉ
Về việc nâng khống tài sản, cựu Phó tổng giám đốc SCB cho hay, khi vào SCB, bị cáo thần tượng và tin tưởng Trương Mỹ Lan, nên bị cáo làm việc với tinh thần trung thành tuyệt đối. Khi nhắc đến Trương Mỹ Lan, bị cáo Dung xúc động và được luật sư khuyên bình tĩnh để trả lời.
Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng, với số liệu thất thoát quá lớn, số tiền đã giải ngân không chỉ trả các khoản vay cũ, hành vi của bị cáo chỉ là che giấu đi những khoản vay cũ đã bị thất thoát.
Theo bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, số tiền thất thoát đã có từ trước, bị cáo đã tất toán khoản nợ cũ, tạo khoản nợ vay mới chứ không phải đem tiền ra khỏi SCB. Từ ngày xảy ra vụ án đến nay, bị cáo Mỹ Dung xác định, tinh thần sai là phải nhận, không né tránh, vì vậy bị cáo Dung mong HĐXX xem xét lại số tiền gây thất thoát của bị cáo.
Đối với khoản vay 1.500 tỉ đồng của Công ty Tường Việt, bị cáo Dung đánh giá về tài sản bảo đảm của khoản vay có tài sản đảm bảo dư và dư rất nhiều. Công ty này có dự án lớn ở TP.Thủ Đức, bị cáo đánh giá cổ phần đó định giá thấp nhất 3.900 tỉ đồng. Và bị cáo Dung cũng thừa nhận thực hiện khoản vay này sai quy trình tín dụng.
Cáo trạng xác định, bị cáo Dung đã giúp sức tích cực để Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 11.9.2019 đến ngày 15.8.2022, Dung ký hợp thức hóa cho 617 khoản vay để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 200.690 tỉ đồng, gây thiệt hại cho SCB 69.023 tỉ đồng.
Xem nhanh 12h ngày 13.3: Cựu lãnh đạo SCB nhận sai tại tòa
"Thực hiện giải quỹ theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan"
Khi được luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương, cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thẩm vấn, bị cáo Hồ Bửu Phương thừa nhận đã hỗ trợ Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) để thực hiện việc giải quỹ theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Mỗi khi Phương Anh đưa hồ sơ, bị cáo Hồ Bửu Phương khai, không nghiên cứu hồ sơ mà thực hiện việc "giải quỹ".
Luật sư xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan để làm rõ việc giải quỹ, bị cáo Trương Mỹ Lan khai, mọi việc xử lý trong SCB là Nguyễn Phương Hồng (quyền Tổng Giám đốc SCB), còn Hồ Bửu Phương không biết gì về giải ngân, giải quỹ.
Bị cáo Trương Mỹ Lan khai: "Tôi có nói Hồ Bửu Phương hỗ trợ cho SCB và Nguyễn Phương Hồng chứ Phương không biết gì về việc giải quỹ", bị cáo Lan nói.
Cáo trạng thể hiện, Hồ Bửu Phương làm Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến 31.7.2020. Bị cáo Phương còn được Trương Mỹ Lan chỉ đạo, giao nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án giải quỹ đối với số tiền đã được SCB giải ngân vào tài khoản các công ty thụ hưởng tiền theo phương án vay khống để Trương Mỹ Lan sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Theo cáo trạng, để giải quỹ, các bị can lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó, các công ty "ma" được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân. Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân sẽ đến SCB ký chứng từ rút tiền. Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục "các khoản phải thu", không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan thuế, cơ quan thanh tra kiểm tra phát hiện sai phạm.
Cũng theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan còn giao cho Nguyễn Phương Anh theo dõi toàn bộ việc thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác. Đồng thời, phối hợp với Hồ Bửu Phương để "giải quỹ" các khoản vay đã được SCB được giải ngân vào tài khoản công ty thụ hưởng cuối cùng.
Trong thời gian từ ngày 1.1.2018 đến hết ngày 31.7.2020, Nguyễn Phương Anh đã báo cáo, xin ý kiến Hồ Bửu Phương để tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần đối với 277 khoản vay của 118 công ty tại SCB, đến ngày 17.10.2022, còn dư nợ gốc là 216.982 tỉ đồng và nợ lãi 99.228 tỉ đồng. Trong đó, số tiền được rút ra dưới hình thức tạo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống là 190.771 tỉ đồng.
Phiên tòa đang tiếp tục phần luật sư thẩm vấn các bị cáo.